Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Sơn Tịnh: Một số vấn đề đặt ra

04:05, 08/05/2012
.

(QNg)- Theo kế hoạch chung của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã qua hơn 01 năm. Trong số 20 xã toàn huyện (trừ thị trấn Sơn Tịnh), có 4 xã được chọn thực hiện điểm của Chương trình (gồm: Tịnh Giang, Tịnh Trà, Tịnh Châu, Tịnh Khê) và cũng là những xã nằm trong số 33 xã điểm của toàn tỉnh. Trung tuần tháng 2 vừa qua, qua kiểm tra, đánh giá 4 xã này, bên cạnh một số kết quả bước đầu, tình hình thực tế cũng đặt ra không ít khó khăn, vướng mắc và cả những thách thức không dễ giải quyết.

TIN LIÊN QUAN


Trên địa bàn huyện Sơn Tịnh, sau hơn 1 năm triển khai, 100% xã đều hoàn thành việc quán triệt, triển khai nội dung, nhiệm vụ của chương trình trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; thành lập ban quản lý xã, ban phát triển thôn; khảo sát, đánh giá thực trạng và tiến hành công tác quy hoạch… Riêng 4 xã điểm, tiến độ được đẩy nhanh hơn, đã hoàn thành và công bố quy hoạch chung đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt (đồng thời xây dựng xong dự thảo Đề án chờ thẩm định… Những kết quả có ý nghĩa nhất là Chương trình đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nông dân - vừa là chủ thể thực hiện Chương trình vừa là đối tượng trực tiếp được thụ hưởng - rất phấn khởi và đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là khó khăn thách thức từ một số vấn đề có tính cốt lõi, căn cơ mang tính bản chất của Chương trình qua thực tế từ các xã điểm.

  Bộ mặt NTM xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) hôm nay.                                            Ảnh: P.V
Bộ mặt NTM xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) hôm nay. Ảnh: P.V


Khó khăn lớn nhất trước hết, là hình thức tổ chức sản xuất: Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (tiêu chí số 13). Trong khi, trên địa bàn huyện Sơn Tịnh, hàng chục năm qua, mô hình hợp tác xã - một hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn ọp ẹp, loay hoay mãi không đường ra, chẳng khác nào "con kiến leo phải cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào!", mặc dù đã chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã mới.

Khó khăn thứ hai là quan hệ của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Chương trình, với hai vai trò: Là một trong những nguồn lực tài chính góp phần thực hiện chương trình và liên kết với nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, một vấn đề hóc búa tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Chẳng hạn huyện Sơn Tịnh là một trong số ít địa bàn trọng điểm mía một thời vang bóng. Thế nhưng, niềm tự hào ấy, giờ đây, chỉ còn lại trong ký ức xa xăm của nhiều người! Rồi đến lượt Nhà máy sản xuất tinh bột mì Tịnh Phong.

Cách đây 5, 7 năm, sự ra đời của nhà máy này như  một "cứu cánh" thực sự cho người nông dân trên địa bàn huyện khi cây mía không còn ở thế "thượng phong". Và diện tích vùng cây nguyên liệu mì không ngừng được mở rộng, có lúc lên đến hơn 2,5 nghìn ha, vượt ra ngoài phạm vi quy hoạch của các cấp chính quyền. Bà con nông dân phấn khởi vì giá bán sản phẩm cao, thu nhập lại ổn định. Rộn ràng là thế, háo hức là thế, nhưng mấy năm gần đây cũng đang hoạt động cầm chừng, chẳng biết rồi số phận sẽ đi về đâu! Điều đó phần nào cho thấy mô hình liên kết "4 nhà" vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Tình trạng trên khiến người nông dân vẫn mãi "đơn phương độc mã" trên đồng ruộng nhà mình! Sản phẩm hàng hóa làm ra, họ vẫn tự xoay xở tìm nơi tiêu thụ, hết sức bấp bênh, thậm chỉ rẻ mạt hoặc bị chèn ép đủ đường… Hệ quả là hàng năm vẫn có hàng nghìn người phải "ly hương" và việc triển khai Chương trình gặp trở ngại do chính tình trạng này, bởi vì ở không ít xã, nhiều thôn, xóm, khu dân cư một số hộ dân chỉ còn lại người già, trẻ em.

Một trở ngại khác không kém phần quan trọng là năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, lực lượng trực tiếp tổ chức thực hiện Chương trình. Nhiều năm qua, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XVII và Đề án 8738, số cán bộ xã, thị trấn đạt chuẩn về bằng cấp theo quy định chiếm tỷ lệ cao hơn và được bố trí giữ các chức danh chủ chốt ngày càng nhiều hơn. Tuy  nhiên, đánh giá một cách thực chất và khách quan thì, một bộ phận không nhỏ trong số đó còn hạn chế nhiều về năng lực thực tiễn. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng được tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc theo Đề án 8738 của Tỉnh ủy cũng chưa nhiều.

Để tháo gỡ những khó khăn, trở ngại trên, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của trung ương, tỉnh, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện, mà trực tiếp nhất là Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện và ban quản lý của các xã, với một quyết tâm lớn và những giải pháp tối ưu nhất. Chỉ có như thế mới có thể sớm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người nông dân, rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần củng cố vững chắc thế trận lòng dân - mục tiêu cao nhất của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.


Đức Kháng
 


.