Thầy cô như thể mẹ cha

10:04, 08/04/2012
.

(QNĐT)- Đó là tinh thần của cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” do Trường THCS Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) phát động.  

TIN LIÊN QUAN


Trước tình hình học sinh (HS) bỏ học nhiều, chủ yếu rơi vào HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Trường THCS Nghĩa Lâm phát động cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Cuộc vận động này bắt đầu triển khai từ năm học 2009-2010.
    
Không có học sinh bỏ học


Thầy giáo Nguyễn Phúc Lộc- Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Lâm cho biết, trước khi triển khai cuộc vận động, HS bỏ học chiếm tỷ lệ khoảng 4-5% mỗi năm học. Từ khi “khai sinh” cuộc vận động, tỷ lệ HS  bỏ học giảm còn 0,5%. Riêng năm học này không có HS bỏ học.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Tuyền hướng dẫn em Tho trong giờ học.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Tuyền hướng dẫn em Tho trong giờ học.


Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, trong số những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn-đối tượng thường có nguy cơ bỏ học cao, thế nhưng ở Trường THCS Nghĩa Lâm không có em nào bỏ học.

“Trước cũng có phân công giáo viên đi vận động HS ra lớp nhưng không hiệu quả bằng việc gắn kết trách nhiệm mỗi giáo viên với 1 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Giáo viên như là cha, là mẹ, không chỉ quan tâm dạy chữ cho các em mà còn quan tâm giúp đỡ các em trong cuộc sống thường ngày. Tất nhiên không phải để giáo viên tự lo, mà nhà trường tìm biện pháp vận động nguồn lực cộng đồng, xã hội” giúp đỡ các em, thầy giáo Nguyễn Phúc Lộc cho hay.
 
Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” mang giá trị nhân văn sâu sắc, do đó thu hút sự tham gia nhiệt tình của giáo viên. Bình quân mỗi năm học, giáo viên Trường THCS Nghĩa Lâm nhận đỡ đầu 30 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thầy, cô giáo thường xuyên đến nhà động viên HS, đồng thời tìm hiểu tình hình đời sống để kịp thời giúp đỡ các em tiếp tục đến trường. Học sinh được nhà trường tặng sách vở, quần áo, gạo, tiền… Bên cạnh nguồn hỗ trợ của trường, nhiều giáo viên đã trích tiền lương để mua quà tặng cho học trò do mình nhận đỡ đầu.

Gắng học để đền đáp công ơn

Em Huỳnh Thị Minh Tho (lớp 9A2) xúc động nói: “Lúc gặp khó khăn em được thầy cô giúp đỡ. Em chỉ biết cố gắng học để đền đáp công ơn thầy cô”. Cô giáo Bùi Thị Thanh Tuyền (Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động, giáo viên dạy tiếng Anh) nhận đỡ đầu em Tho. Câu chuyện về cô học trò nghèo Huỳnh Thị Minh Tho được cô giáo Tuyền kể trong nghẹn ngào: Nhà Tho nghèo lắm. Mẹ đau ốm triền miên, bố đi làm ăn xa. Ba chị em Tho thiếu ăn, thiếu mặc. Nhiều hôm em vắng học, vì thiếu những điều kiện tối thiểu để đến trường. Những món quà ý nghĩa do nhà trường tặng được chuyển đến tay Tho. Cô học trò nghèo khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Cô giáo Tuyền cho hay, có hôm Tho ngồi học mà khuôn mặt tái mét, vã mồ hôi, đoán biết cô bé nhịn ăn sáng nên cô giáo nhờ người mua giúp thức ăn cho Tho.  

Có rất nhiều câu chuyện cảm động, gắn kết tình nghĩa thầy trò qua triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ chỗ học lực yếu kém, được sự động viên, giúp đỡ kịp thời của những người cha, người mẹ đỡ đầu nơi trường học, các em đã vươn lên học khá, giỏi.

Thầy giáo Huỳnh Tấn Phiển (dạy môn Ngữ Văn) cho hay, cậu học trò nghèo Phan Văn Thọ (lớp 6A3) mặc dù bị bệnh hiểm nghèo (bệnh tim-PV) nhưng không ngừng nỗ lực trong học tập và đạt học sinh giỏi. Hai anh em cậu học trò Phạm Ngọc Tuân (nạn nhân chất độc da cam) dẫu việc học gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đến lớp đều đặn…

“Học trò như con, như em. Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, các em đến lớp là niềm vui lớn của người thầy”, thầy giáo Phiển tâm sự.   


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.