(QNg)- Bước qua tuổi 50, thầy giáo Đinh Văn Ngoan vẫn lặng thầm vượt núi, lội suối đến bản làng xa xôi nhất huyện Sơn Hà để dạy chữ cho bọn trẻ. Tâm nguyện một đời của thầy giáo ấy chỉ đơn giản là "cắm bản" giúp trẻ em đồng bào dân tộc Hrê vùng cao Sơn Hà thực hiện khát vọng nuôi chữ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
20 năm cầm phấn trắng, thầy Đinh Văn Ngoan, giáo viên điểm trường thôn Gò Da, xã Sơn Ba (Sơn Hà) chưa từng biết đến chuyện đi xe đạp hoặc xe máy đến trường để dạy học. Bởi những nơi thầy Ngoan gieo chữ là chốn non cùng, ngoài đôi chân trần thì chẳng có phương tiện nào đến đó được cả.
Gieo mầm khuyến học
Chúng tôi đến lớp học ở thôn Gò Da vào một chiều tháng ba. Ngôi trường nhỏ nằm trên đỉnh núi Ha Tu cao tưởng chừng như có thể chạm tay vào mây trời được vậy. Thầy Đinh Văn Ngoan đang miệt mài cầm tay nắn từng nét chữ cho đám học trò lớp 1 của mình. Hôm nay, cả lớp viết chính tả bài "Ai dậy sớm". Những đôi mắt đen láy dán chặt xuống vở, thầy Ngoan cất giọng đều đều: "Ai dậy sớm. Chạy lên đồi. Hoa ngát hương. Đang chờ đón…".
Thầy giáo Đinh Văn Ngoan cùng các học trò nhỏ của mình. |
Điểm trường Gò Da chỉ có vỏn vẹn 6 đứa học trò lớp 1. Thế nhưng lớp học của thầy Ngoan khi nào cũng có đến 14 em. Thầy Ngoan chỉ vào những đứa bé ngồi ở cuối lớp, nói: "Bọn trẻ ở đây ham học lắm! Mới 4, 5 tuổi nhưng sáng nào cũng theo anh chị đến lớp ngồi nghe giảng. Nhiều em đã thuộc lòng những bài thơ lớp 1 đấy". Ở thôn Gò Da, những em từ lớp 2 trở lên được đưa xuống Trường tiểu học Sơn Ba học nội trú, cuối tuần mới về thăm nhà.
Cách đây 10 năm, thôn Gò Da còn là điểm trắng về giáo dục. Năm 2002, Huyện ủy, UBND huyện quyết tâm xóa điểm trắng này. Thầy giáo Đinh Văn Ngoan và một số thầy giáo trẻ khác đã xung phong lên đây dạy chữ. Thế nhưng, do ít học sinh, việc mở lớp khó khăn, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Sơn Ba đã quyết định đưa những học sinh từ lớp 2 "xuống núi". Từ đó, điểm trường nơi này chỉ còn lại những cô cậu học trò "đại học chữ O".
Thầy giáo Ngoan lại xung phong bám trụ. Thầy Ngoan vừa dạy chữ, vừa giúp các em tìm hiểu về thế giới xung quanh, về tình cảm gia đình, phép giao tiếp và cả dạy các em giao tiếp bằng tiếng Việt nữa. Bởi các học sinh này, trước khi cắp sách đến trường hầu như chưa nói được tiếng Kinh. Những ngày đầu đến lớp, thầy Ngoan còn phải "dịch" bài giảng sang tiếng Hrê để các em dễ tiếp thu. Cứ thế, hai ngôn ngữ song hành trong giờ học, sau một thời gian các em mới nói, nghe và viết chính tả bằng tiếng Việt.
Cả đám học trò thôn Gò Da đều rất yêu mến thầy giáo Đinh Văn Ngoan. Mỗi sáng, sau khi lót dạ bằng chén cơm hay cái củ, các em vội cắp sách đến đầu ngõ nơi thầy Ngoan ở để được thầy dẫn đến trường. Nhìn ông giáo già đi trước, đám trẻ tíu tít theo sau, chúng tôi cảm thấy vui lây với cuộc đời người giáo viên cắm bản. Vừa đi, thầy vừa kể cho các học trò nhỏ của mình những câu chuyện cổ tích, khiến bọn trẻ thích thú cười vang...
Đi dân nhớ, ở dân nuôi
Trước khi trở thành giáo viên, thầy Đinh Văn Ngoan là bộ đội. Xuất ngũ, thầy đăng ký đi học lớp giáo viên "cắm bản". Sau khi tốt nghiệp, thầy Ngoan được phân công về dạy ở điểm trường ở thôn Mô Níc, xã Sơn Kỳ. Đó là điểm trường ngay trên quê hương của thầy nhưng để đến được với học trò, mỗi ngày thầy phải mất 3 tiếng đồng hồ đi bộ từ nhà lên đây. Vắt núi, dốc cao bao lần thầy trợt ngã thâm tím tay chân, nhưng thương đám học trò, thầy Ngoan chưa một lần đến trễ để học trò phải đợi. Từ năm 2002, khi huyện Sơn Hà có chủ trương xóa điểm trắng giáo dục ở thôn Gò Da, thầy Ngoan tình nguyện lên với điểm trường này. Ban đầu, lối mòn còn chưa mở, thầy phải xuyên rừng, băng suối đến trường. Nhiều khi ở lại điểm dạy đến cả tháng mới về nhà. Thầy Ngoan tâm sự: "Mình là người Hrê quen với núi rừng, hiểu tâm lý trẻ em Hrê nên phải tiên phong cắm bản nơi xa xôi chứ". Tâm niệm như thế nên những khó nhọc của giáo viên cắm bản chẳng thể làm bước chân thầy chùng lại.
Hành trình đến lớp ở điểm trường thôn Gò Da của thầy Ngoan không tính bằng kilomet mà bằng 8 con dốc, 3 con suối, 1 con sông với nhiều tiếng đồng hồ đi bộ. Nhà thầy ở xã Sơn Kỳ, còn điểm trường thầy dạy ở xã Sơn Ba. Từ Sơn Kỳ lên Sơn Ba, rồi vượt sông Re leo núi, lội suối lên thôn Gò Da. Đến trường, bên trang giáo án, thầy còn phải cõng theo gạo, muối, mắm, rau… đủ dùng cho những ngày "cắm bản". Thấy thương thầy vất vả với con em mình, các già làng trong thôn Gò Da đã họp và nhất trí cùng góp gạo "nuôi" thầy giáo Ngoan. Thầy cảm động đến rơi nước mắt và mỗi tháng trích ra 100.000 đồng để ủng hộ vào quỹ của thôn. Qua 10 năm gắn bó với học trò nghèo vùng cao Gò Da, thầy Ngoan đã trở thành người của làng thật sự. Thầy không chỉ dạy học mà còn trực tiếp đi làm khai sinh, khai tử và bảo hiểm y tế cho dân làng. "Thầy là người không thể thiếu của cái làng này rồi. Người làng thương thầy lắm, không cho thầy xuống núi đâu" - già làng Đinh Văn Xia, thôn Gò Da nói với chúng tôi.
Thầy Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba cho chúng tôi biết: "Chỉ có thầy Ngoan mới miệt mài bám trụ nơi vùng khó khăn lâu như thế! Thầy là tấm gương về đức chịu khó, hy sinh mà các giáo viên khác trong trường học tập, noi theo". Tuy tuổi cao, nhưng khi chúng tôi hỏi về việc "xuống núi" thì thầy Ngoan một mực trả lời: "Tôi sinh ra là để làm giáo viên cắm bản mà. Nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ tiếp tục đeo đuổi tâm nguyện đến vùng cao, vùng sâu để dạy chữ cho học trò Hrê. Học trò cần mình, mình sẽ cả đời chỉ muốn làm giáo viên "cắm bản”.
Vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, thầy Đinh Văn Ngoan đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền và ngành giáo dục. Nhưng với thầy giáo già này thì phần thưởng lớn nhất chính là sự tiến bộ của lớp học trò Hrê vùng cao trong học tập, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng quê hương vùng cao Sơn Hà ngày một khởi sắc.
Bài, ảnh: THANH NHỊ