Thực trạng trên chỉ khiến học sinh không có đủ kiến thức một cách toàn diện và đất nước sẽ thiếu hụt nhân lực cho các ngành nghề này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố 6 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo đó, học sinh hệ THPT sẽ thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lý.
Những nơi không đủ điều kiện thi môn Ngoại ngữ sẽ thi môn thay thế là môn Vật lý.
Học sinh hệ Giáo dục thường xuyên sẽ thi Toán,Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
Các môn Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý sẽ thi theo hình thức tự luận.
Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung đề thi tốt nghiệp năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn tỏ ra lo lắng khi có 4/6 môn thi tốt nghiệp THPT là những môn khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ), không chỉ yêu cầu hiểu mà còn phải thuộc bài, học vất vả hơn các môn tự nhiên. Đặc biệt là nhiều học sinh thi ĐH khối A trong cả năm học chỉ tập trung ôn tập các môn tự nhiên, đến khi biết năm nay có nhiều môn thi xã hội mới cuống cuồng lao vào ôn tập trong thời gian “nước rút”.
Học sinh đang tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT |
Việc ôn thi đang được các trường bắt đầu thực hiện từ tháng 4 với việc tăng lên 4 tiết/tuần/môn. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng bây giờ Lê Sơn Tùng, học sinh trường THPT Trần Phú, Hà Nội mới bắt đầu ôn tập các môn thi.
Tùng cho biết: “Trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, em sẽ thi khối A nên không chú trọng đến 3 môn: Văn, Lịch sử, Địa lý. Theo em, bây giờ mới ôn tập 3 môn xã hội kia vẫn kịp cho kỳ thi”.
Nguyễn Phương Mai, học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết, em học kém môn Văn và cũng không thích học các môn Lịch sử, Đại lý vì phải nhớ nhiều sự kiện nên đã đăng ký thi khối A.
Phương Mai tâm sự: “Chắc là em sẽ phải dành nhiều thời gian học hơn cho các môn xã hội vì từ trước tới giờ, em học kém những môn này nên cũng không hứng thú học lắm”.
Việc thờ ơ với các môn xã hội như Sơn Tùng và Phương Mai không phải là hiếm mà hiện nay, rất nhiều học sinh có xu hướng học như vậy.
Bộ GD-ĐT đã thông báo rất rõ là trong 6 môn thi thì có 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ là bắt buộc thi thì 3 môn còn lại sẽ bốc thăm ngẫu nhiên, chứ không theo quy luật nào cả. Tuy nhiên, nhiều học sinh lớp 12 chọn lựa khối A để thi ĐH, CĐ cho rằng, việc có nhiều môn xã hội trong kỳ thi sẽ là khó khăn hơn trong việc ôn tập vì từ trước toàn dành thời gian học các môn tự nhiên, không chú trọng học các môn xã hội. Còn những em chọn thi ĐH, CĐ khối C thì cho biết, việc ra đề thi năm nay sẽ thuận lợi để ôn thi tốt nghiệp.
Thực tế, học sinh lớp 12 thường ưu tiên dành thời gian cho môn thi ĐH nhiều hơn. Chính điều này cũng khiến các em không học đều toàn diện các môn trong chương trình THPT.
Vấn đề quan tâm hiện nay là, trong những năm gần đây, nhiều học sinh thích học các môn khoa học tự nhiên hơn nên dẫn đến sự sao nhãng học các môn xã hội mà điều này lại có sự liên quan mật thiết đến việc chọn lựa khối thi, ngành học cho kỳ thi ĐH, CĐ.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi vào ĐH, CĐ 2011, lượng hồ sơ đăng ký vào khối C chỉ bằng 1/3 so với khối A, D. Điều này cho thấy, học sinh thích thi vào các trường có khối ngành kinh tế, khoa học công nghệ cao hơn các trường khối ngành xã hội. Đây thực sự là vấn đề báo động về nguồn nhân lực cho các ngành xã hội trong tương lai gần.
Không nên coi phân biệt môn chính, môn phụ
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Việc chọn 6 môn thi tốt nghiệp THPT được thông qua bốc thăm ngẫu nhiên, chứ không phải là thiên về các môn tự nhiên hoặc xã hội.
6 môn thi năm nay có nhiều môn xã hội không phải là vì Bộ GD-ĐT thấy tình trạng học sinh học các môn này kém nên mới chọn lựa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong số 8 môn “ứng cử” kỳ thi tốt nghiệp gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh học, Lịch sử, Địa lý thì có 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ là bắt buộc thi. Còn lại 5 môn sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra 3 môn tiếp theo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ Giáo dục-Đào tạo luôn chỉ đạo các trường dạy đủ chương trình và định hướng cho học sinh là các môn đều có khả năng thi. Việc làm này là để tránh hiện tượng học sinh học tủ, học lệch và đoán mò môn thi tốt nghiệp THPT.
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết cao, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập cho học sinh một cách khoa học, nghiêm túc.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, kỳ thi chỉ là kiểm tra kiến thức của học sinh thôi, chứ việc giảng dạy và học tập tốt mới là trang bị kiến thức toàn diện cho học sinh.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là như vậy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, học sinh chủ yếu thích và thiên về học các môn tự nhiên hơn các môn xã hội là thực tế diễn ra.
Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên trường THPT Văn Hiến, Hà Nội cho rằng: Lý do dẫn đến thực trạng trên là vì các môn xã hội thường yêu cầu học sinh phải chăm chỉ nhớ nhiều diễn biến, tình tiết sự kiện nên nhiều em “sợ” học.
Ngoài ra, các môn xã hội có ít khối thi ĐH hơn các môn tự nhiên. Mặt khác, những học sinh theo học các môn xã hội để thi ĐH thì cơ hội việc làm và thu nhập cho tương lai cũng thấp hơn so với các ngành khoa học tự nhiên.
Cô Nguyễn Thị Hoa cho rằng, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, có nhiều môn xã hội sẽ giúp cho các em học sinh chú tâm hơn đến việc học đều các môn, giảm thiểu tình trạng học tủ, học lệch.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến, từ trước tới nay, nhiều học sinh rất xem nhẹ các môn xã hội và coi những môn này chỉ là môn học phụ.
Nhiều người cho rằng, chỉ những học sinh trình độ có hạn hoặc những em ở các vùng nông thôn mới chọn các môn xã hội để thi khối C. Còn đa phần học sinh ở các thành phố lớn chọn thi khối A, D hay các khối khác. Việc chọn môn thi tốt nghiệp THPT là sự bốc thăm tự nhiên nhưng năm nay, có tới 2/3 trong số các môn thi là môn xã hội thì cũng là điều bình thường và nên để cho học sinh “thích nghi” với điều này.
Quan điểm của PGS, TS Lê Sỹ Giáo cho rằng, các em học sinh học gì thì sẽ thi các môn đó, không nên phân biệt môn chính, môn phụ. Hiện nay, thời gian để dành cho giảng dạy các môn học đã có sự phân biệt rõ ràng. Trong khi môn Toán có thể là 4 -5 tiết/tuần nhưng các môn như Lịch sử, Địa lý cũng chỉ từ 1-2 tiết/tuần.
Theo PGS, TS Lê Sỹ Giáo, nếu học sinh quá chú trọng học tập và luyện thi các môn tự nhiên mà coi nhẹ các môn xã hội thì các em sẽ không có được những kiến thức toàn diện. Điều đặc biệt nguy hiểm hơn là nếu như tình trạng này kéo dài thì trong tương lai gần, chúng ta sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực cho các ngành khoa học xã hội.
Để thu hút học sinh học các môn xã hội thì trước hết phải từng bước thay đổi nhận thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh phân biệt môn chính, môn phụ. Mặt khác, chúng ta cần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên để sao cho mỗi giờ lên lớp, mỗi một tiết giảng bài của người thầy đều thu hút được học trò.
Một yếu tố góp phần quyết định đến chất lượng học các môn xã hội ở trường THPT là Bộ GD-ĐT cần bố trí lại chương trình học tập, thi cử cho các môn này như: Tăng thời lượng học các môn xã hội, đưa ra quy định bắt buộc thi nhiều môn xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm hơn tới việc định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh THPT; ưu tiên mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm hơn cho những sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội. Có như vậy mới khắc phục dần được tình trạng học sinh học lệch, chỉ ưu tiên học các môn tự nhiên, chạy theo thi các ngành khoa học tự nhiên hơn xã hội./.
Theo VOV