"An toàn vệ sinh lao động vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp":
Nguy hiểm rình rập công nhân khai thác đá

08:06, 27/06/2011
.

(QNg)- Từ ngày 11 đến ngày 18 tháng 5 năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại 23 mỏ ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Ba Tơ, Sơn Hà và Trà Bồng. Qua kiểm tra đã tạm đình chỉ hoạt động mỏ đá Mỹ Trang (Đức Phổ), do có nhiều tồn tại, đặc biệt là hệ thống khai thác không an toàn; đề nghị chấm dứt hoạt động, đóng cửa mỏ khi giấy phép hết hiệu lực (tháng 9/2011) đối với mỏ phụ gia xi măng Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) và mỏ đá Thượng Hòa 4 (Bình Sơn).
 
TIN LIÊN QUAN


Nguy hiểm rình rập

Toàn tỉnh hiện có trên 20 mỏ khai thác đá (có sử dụng vật liệu nổ) được cấp phép đang hoạt động và vô số mỏ đá khai thác thủ công. Để được cấp giấy phép khai thác đá, doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn, có phương án nổ, phương án sử dụng vật liệu nổ (trong đó quy định khối lượng mìn sử dụng trong một lần nổ), đồng thời phải thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành. Việc cấp phép khai thác, chế biến đá do ba cơ quan là Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở LĐTB- XH cùng thực hiện. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm các quy định, thậm chí để xảy ra tai nạn chết người chỉ thỏa thuận đền bù với gia đình người bị nạn, không báo cáo cơ quan chức năng.
 
Công nhân chẻ đá ở các mỏ khai thác đá lao động như thế này.
Công nhân chẻ đá ở các mỏ khai thác đá lao động như thế này.

Chúng tôi đến khu vực khai thác đá Thọ Bắc (xã Tịnh Thọ, Sơn Tịnh). Trong khi máy xay đá đang chạy ầm ầm, xe ra vào "ăn" đá bụi bốc mù mịt, thì trên cao một nhóm công nhân vẫn hì hục đặt mìn phá đá. Phía trên họ là vách núi dựng đứng với những phiến đá lồi lõm, cảm giác có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Đường vào mỏ khai thác đá Thọ Bắc mù mịt bụi trắng từ hàng chục chiếc xe tải nối đuôi nhau ra vào khu khai thác. Nhưng lượng bụi đó chẳng thấm vào đâu khi vào đến khu vực khai thác. Bụi phủ kín toàn bộ khu vực khai thác rộng lớn, phủ kín mặt người.

Anh Trần Văn G - công nhân làm việc ở mỏ đá này nhiều năm cho biết: "Công nhân làm ở mỏ đá mà người không bám bụi từ đầu đến chân, thì không phải là công nhân khai thác đá". Trên người những công nhân này chỉ có bộ đồ lao động, mũ nhựa, găng tay vải và khẩu trang bịt miệng vải do người làm tự trang bị. Họ làm việc trong môi trường dưới đá, trên nắng và hít thở không khí trong làn bụi bay ngút trời, nhưng mỗi công nhân ở mỏ đá cũng chỉ có mức thu nhập bình quân trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, công nhân làm việc tại các mỏ đá thường mắc các loại bệnh về đường hô hấp, vì hít thở không khí ô nhiễm thường xuyên. Bụi đá là tác nhân gây bệnh trực tiếp đến người công nhân; chi phí cho khám chữa bệnh cũng chiếm một khoản không nhỏ.

Ở các mỏ đá xã Sơn Trung, Sơn Hải (Sơn Hà) chúng tôi thấy nhiều công nhân khai thác đá thủ công. Họ hì hục đập đá ngay phía dưới những tảng đá lớn "treo" lơ lửng trên đầu. Anh Linh - người dân xã Sơn Hải nói: "Biết là nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm, manh áo chúng tôi vẫn phải gò lưng mà làm. Cầu cho tai ương không đến với mình". Anh Đinh Văn B làm việc ở mỏ đá Sơn Hải cho biết: Gia đình chỉ có hai sào ruộng mà có tới 7 miệng ăn, các khoản ăn uống cho cả nhà, tiền học cho con... tất cả đều trông vào khoản thu nhập này. Mất nó gia đình anh sẽ túng thiếu. Vợ anh - chị Liên làm nghề nhặt đá, chẻ đá thời vụ ở mỏ nói thêm: "Anh làm nghề nổ mìn phá đá, nguy hiểm rình rập. Muốn chuyển việc nhưng mình không có nghề gì trong tay, nên vẫn phải bám vào mỏ đá thôi".

An toàn vệ sinh lao động: Ai lo?

Nghề khai thác đá tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn sinh mạng rất cao, nếu chủ quan hoặc vô ý thức trong quá trình lao động có thể xảy ra hậu quả khó lường. Sự chủ quan của người lao động biểu hiện trong những trường hợp như, không thường xuyên kiểm tra độ an toàn của dây leo; không đi theo đường công vụ phục vụ khai thác mà đi tắt, nên bị đá lăn gây thương tích, thậm chí tử vong. Đã từng xảy ra tai nạn chết người do leo núi đá bị trượt ngã. Ở tỉnh ta đã có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có trang bị thiết bị bảo hộ (mũ, ủng, khẩu trang... và chế độ bồi dưỡng cho công nhân khai thác đá). Tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp (chủ yếu doanh nghiệp tư nhân) chưa quan tâm đến vấn đề bảo hộ và kiểm tra sức khỏe cho công nhân, nhất là số lao động phổ thông thuê mướn bốc xếp đá hàng ngày. Và hiện các cơ quan chức năng cũng không thể nắm được số lao động làm việc tại các mỏ đá do doanh nghiệp thuê lao động làm công; không có hợp đồng lao động và số lao động làm việc tại các mỏ đá cũng tăng giảm tùy theo thời điểm, theo mùa xây dựng.

Quảng Ngãi hiện có nhiều doanh nghiệp khai thác đá, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp vừa là nhà đầu tư, đồng thời kiêm luôn nhà sản xuất, kinh doanh và đương nhiên kiêm luôn cả chức năng "bảo hộ lao động" của doanh nghiệp, nên chưa mấy quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ chưa quan tâm đến việc tổ chức huấn luyện an toàn, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, các thiết bị đã hết thời hạn kiểm định an toàn.

Như vậy có thể thấy, các cơ quan chức năng không chỉ cần phải tăng cường giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực khai thác sản xuất đá mà ngay cả việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các chủ doanh nghiệp khai thác đá cũng phải xử lý nghiêm.

Bài, ảnh: Xuân Hiếu

.