Quản lý An toàn vệ sinh lao động: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

03:03, 20/03/2011
.

(QNg)- Năm 2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 2 người chết, 2 người bị thương nặng. So với năm 2009, TNLĐ đã giảm cả về số vụ và số người chết. Tuy nhiên theo nhìn nhận của các chuyên gia thì, việc giảm thiểu TNLĐ vẫn chưa thực sự bền vững và đó chưa phải con số "thực".
 
TIN LIÊN QUAN


Hiện trên địa bàn Quảng Ngãi đã có một khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và các cụm công nghiệp làng nghề với hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hoàn thiện, tạo cho Quảng Ngãi trở thành điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo thống kê, toàn tỉnh có 2.500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, may mặc, thi công điện… với trên 28.000 lao động. Điều này cũng cho thấy, số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và lực lượng làm việc trong môi trường có nguy cơ mất ATVSLĐ chiếm tỷ lệ cao.
 
Chế biến gỗ là một trong những ngành nghề có nguy cơ cao về  mất ATLĐ và cháy nổ.  Ảnh minh họa
Chế biến gỗ là một trong những ngành nghề có nguy cơ cao về mất ATLĐ và cháy nổ. Ảnh minh họa

 Tuy nhiên, số vụ tai nạn lao động được báo cáo hằng năm vẫn còn quá ít so với thực tế. Năm 2010 chỉ có 4 trên tổng số 2.500 doanh nghiệp báo cáo về Sở LĐ-TB&XH các vụ tai nạn lao động. Thực tế này đặt ra cho các ngành chức năng của tỉnh bài toán quản lý về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp. Tại hội thảo công tác an toàn vệ sinh lao động tỉnh Quảng Ngãi do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Văn phòng tại Hà Nội, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, các đại biểu đều cho rằng, những số liệu này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì chưa có cơ sở dữ liệu để dự báo về tình hình cũng như đưa ra con số chính xác.

Qua điều tra các vụ tai nạn lao động không chỉ gây tổn thất, thiệt hại đối với bản thân, gia đình người lao động mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Tính bình quân, mỗi vụ tai nạn lao động chết người, bị thương nặng chi phí từ người sử dụng lao động là trên 72 triệu đồng, không những vậy còn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội và gia đình người bị tai nạn lao động. Hầu hết các vụ tai nạn lao động gây chết người thường tập trung vào một số lĩnh vực như xây lắp công trình, xây dựng dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng..

Ngoài nguyên nhân chính là người sử dụng lao động vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn lao động, thì đa phần nhận thức, ý thức tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ còn nhiều hạn chế. Thông qua nhiều đợt kiểm tra, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các cơ sở chấp hành đầy đủ nguyên tắc đảm bảo ATVSLĐ nhưng hiệu quả không như mong đợi.

Ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Qua đợt thanh tra của Sở và liên ngành của tỉnh về ATVSLĐ - PCCN vừa qua tại 20 doanh nghiệp của thanh tra Sở LĐ-TB&XH  thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa tốt công tác này thể hiện qua công tác bảo hộ lao động, chưa trang bị đủ những dụng cụ, thiết bị bảo hộ an toàn lao động cho người lao động cũng như sự chăm lo sức khỏe cho người lao động. Một điều đáng buồn nữa là công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động tại các cơ sở còn thiếu và yếu.

Theo thống kê có được là hàng vạn lao động làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố độc hại, nặng nhọc được khám sức khỏe, nhưng không ít nơi việc khám này chỉ mang tính đối phó. Điều đáng nói hơn cả là hàng năm trên địa bàn số vụ TNLĐ được điều tra và kết luận vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so tổng số, còn lại không thể kiểm soát được. Một phần là do doanh nghiệp cố tình né tránh, qua mặt lực lượng chức năng, lực lượng thanh tra quá mỏng, những chế tài sau xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răng đe; phần khác là ý thức, nhận thức của người lao động trong việc ký kết hợp đồng lao động, họ chưa thấy được những hệ lụy xảy ra khi không quan tâm đến vấn đề ATLĐ của bản thân mình.

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản về ATVSLĐ. Công tác quản lý ATVSLĐ ở tỉnh ta cũng được thực hiện tốt hơn. Các dự án về lĩnh vực này được triển khai đồng bộ. Công tác tuyên truyền được nâng lên, các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và năng lực giám sát, thực thi ATVSLĐ được triển khai tốt hơn.

Ông Nhân cho biết thêm: Để đảm bảo công tác ATVSLĐ, hạn chế tai nạn lao động thì điều quan tâm nhất vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nghĩa vụ trách nhiệm của người lao động và đặc biệt là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp tránh được các nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động cũng như các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mới để công tác ATVSLĐ được đảm bảo. Các doanh nghiệp cần phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những khả năng tai nạn lao động cần đề phòng; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, bảo hộ lao động cho người lao động…
 
Diễn tập ứng phó sự cố cháy nổ ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Diễn tập ứng phó sự cố cháy nổ ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Với chủ đề "An toàn vệ sinh lao động vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp", Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN được tổ chức tại Bến cảng số 1 KKT Dung Quất là cuộc phát động mang ý nghĩa rộng lớn, gắn với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hoá trong sản xuất. Đồng thời cũng phản ánh xu thế chung của hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc thực hiện những chương trình tổng thể để giải quyết vấn đề ATVSLĐ-PCCN. Đây còn là dịp kêu gọi các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, nêu cao ý thức trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ-PCCN góp phần hạn chế và ngăn ngừa  nguy cơ gây tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp.
 

*Ông Phạm Gia Lượng - Phó Cục trưởng Cục an toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Quảng Ngãi hiện tại đang ở trong thời kỳ phát triển mạnh, từ một tỉnh có tỷ trọng 80% là sản xuất nông nghiệp mà chuyển sang phát triển công nghiệp với tăng trưởng GDP 35,9% năm 2010 đã đặt ra các thách thức rất lớn. Việc công nghiệp phát triển nhanh sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác, cần phải tuyên truyền cho doanh nghiệp để có thể thực hiện tốt pháp luật ATVSLĐ-PCCN. Ngoài ra cần phải có sự phối hợp các cơ quan lao động, liên đoàn lao động, và các ban quản lý khu công nghiệp trong vấn đề kiểm tra giám sát an toàn và xử lý vi phạm.  Muốn làm được điều này thì cần có con người. Tôi nghĩ, Quảng Ngãi nên tăng biên chế trong lĩnh vực này, vì hiện nay lực lượng này quá mỏng.

*Ông Phạm Hùng - Phó Trưởng phòng Lao động - Văn xã (Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất): Với 60 doanh nghiệp và 15.000 lao động đang làm việc tại KKT Dung Quất thì công tác ATVSLĐ-PCCN được BQL đặc biệt quan tâm. Thông qua công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp nên đã hạn chế tai nạn lao động xảy ra. Nếu như năm 2007-2008 tại KKT Dung Quất có 14 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, thì trong hai năm 2009 - 2010 chỉ xảy ra 4 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (giảm 70%), các vụ tai nạn nhẹ đã hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, bất cập ở đây là phân định trách nhiệm giữa BQL với các sở, ban, ngành chưa rõ ràng, dẫn đến sự chồng chéo trong chỉ đạo, chồng chéo trong quản lý. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng ủy quyền công tác quản lý về ATVSLĐ-PCCN cho BQL các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế để theo dõi hướng dẫn một cách đồng bộ, sâu sát và hiệu quả hơn.

*Bác sĩ Nguyễn Ngọc Doanh - Trung tâm y tế dự phòng tỉnh: Kinh phí dành cho công tác chăm sóc sức khỏe người lao động ở các doanh nghiệp còn rất hạn chế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở sản xuất, làng nghề. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng còn nhiều hạn chế làm cho người lao động và người sử dụng lao động nhận thức về yếu tố tác hại trong môi trường lao động cũng như tác hại của bệnh nghề nghiệp chưa cao. Qua phân tích đo đạc môi trường lao động tại 75 doanh nghiệp thì có đến 7/8 chỉ tiêu không đạt, đặc biệt là mẫu đo vi khí hậu, ánh sáng, tiếng ồn, kể cả trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ công tác kiểm soát môi trường và khám bệnh nghề nghiệp cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

*Ông Khương Lê Thành - Trưởng Phòng An toàn-Sức khoẻ - Môi trường & PCCC (CTy TNHH MTV lọc hoá dầu Bình Sơn): Nhằm bảo vệ con người, môi trường, tài sản và cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, Công ty đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động để chỉ đạo, kiểm soát thực hiện công tác an toàn sức khỏe môi trường, thành lập phòng chuyên trách về công tác sức khỏe cho người lao động gồm 83 nhân sự… Công ty có hẳn phòng y tế với 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng. Hằng năm, hầu hết cán bộ, nhân viên được huấn luyện an toàn lao động và 100% lao động  được khám sức khỏe định kỳ, gần 1.000 lao động được huấn luyện công tác PCCC và gần 1.000 máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về PCCC ở đây được kiểm định đầy đủ, đúng thủ tục, quy trình...

*Ông Lâm Tuấn Anh - Quyền Giám đốc Cty CP đá Mỹ Trang: Với đặc thù sản xuất kinh doanh của công ty thì việc bảo vệ sức khỏe cho người lao động và an toàn lao động được chúng tôi đặc biệt chú ý. Do vậy ngoài trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, tổ chức khám bệnh định kỳ cho người lao động, chúng tôi đã xây dựng hệ thống phun nước áp lực để giảm thiểu lượng bụi bay ra ngoài không khí, giảm ô nhiễm môi trường đồng thời giảm nguy cơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
 
THANH THUẬN

.