(QNg)- Thời gian qua, Quảng Ngãi đã nỗ lực giúp người lao động vượt mọi rào cản về tập quán, ngôn ngữ để sang nước ngoài lao động. Nhiều lao động đã có việc làm ổn định, có nguồn thu nhập khá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau Tết Tân Mão 2011, tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, các lớp học tiếng Hàn, tiếng Malaysia... để chuẩn bị xuất khẩu sang nước ngoài khá đông đúc. Nhìn lớp học nghiêm túc, chúng tôi cảm nhận được nơi họ đã đặt niềm tin rất lớn vào việc sang xứ người lao động.
Vượt rào cản về ngôn ngữ, tập quán...
Không bằng cấp, không còn ở lứa tuổi đến trường, nhưng vì tương lai chị Trần Thị Bích Ngà (27 tuổi) - thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) đã có con 4 tuổi mà vẫn đến học lớp tiếng Hàn đúng thời gian quy định. Chị bảo: "Lớn tuổi, ít học, giờ học tiếng Hàn càng khó. Nhưng khó mấy cũng phải học, bởi sang xứ người lao động thì phải biết tiếng nước họ thôi".
Sang xứ người lao động, những thanh niên trai trẻ chưa vướng bận gia đình còn dễ, những người như chị Ngà phải chịu đựng nhiều thứ, nhất là tình cảm vợ chồng xa cách, nỗi nhớ con. "Nhưng hàng ngày chồng ra khơi đi bạn, biển giả, con cá, tôm lúc được, lúc bấp bênh, cuộc sống của gia đình tôi cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Mơ có được chiếc tàu để cho chồng ra khơi trở nên quá xa xôi. Mấy năm gần đây Nhà nước có chủ trương xuất khẩu lao động, một số người ở xã sang nước ngoài lao động có thu nhập khá, nên hai vợ chồng bàn bạc rồi cùng nhau quyết định chọn Hàn Quốc là nơi để đăng ký sang lao động, may đâu kiếm được ít vốn về tậu chiếc thuyền, chủ động ra khơi làm ăn" - Chị Ngà bộc bạch.
"Trường hợp chị Ngà không phải là hoàn cảnh đặc biệt. Hiện có 80 người đang tham gia lớp học này. Mỗi người ở mỗi miền quê khác nhau. Đa số hộ có hoàn cảnh nghèo khó, bỏ học nửa chừng nhưng khi xác định vào lớp học tiếng Hàn thì tất cả đều chăm học" - Giáo viên Đinh Lê Diễm Oanh - dạy tiếng Hàn nói với tôi trong giờ giải lao.
Đến học lớp tiếng Hàn còn có cả đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đã vượt qua tập quán ngại xa gia đình, ngại tiếp xúc đông người đến trung tâm học chữ Hàn để thực hiện ước mơ đổi đời. Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm, khóa học tiếng Hàn năm 2010-2011 có khoảng 280 lao động. Sau 4 tháng kết thúc khóa học, các lao động sẽ ra Đà Nẵng thi tuyển.
Giáo viên dạy tiếng Hàn tận tình hướng dẫn cho lao động đăng ký xuất khẩu lao động. |
Không chỉ lớp học tiếng Hàn, mà các lớp học tiếng Nhật, tiếng Malaysia, Đài Loan... cũng khá đông lao động theo học. Theo kế hoạch trong năm 2011, Trung tâm tạo nguồn khoảng 1.500 lao động để sang các nước. Trong đó có khoảng 700 lao động ở các huyện miền núi.
Ông Võ Duy Yên - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm phấn khởi: Đầu năm thấy lao động đến lớp học đông đủ là mừng. Đây là hiệu quả từ những đợt tuyên truyền, từ những người đã sang nước ngoài lao động trở về có kinh tế khá giả, đã góp phần làm thay đổi diện mạo miền quê. Sự thay đổi rõ nhất là ở các xã Ba Xa (Ba Tơ), Sơn Mùa (Sơn Tây), Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Bình Châu (Bình Sơn), Phổ Thạnh, Phổ Châu (Đức Phổ) đã tác động tích cực đến nguồn lao động trong vùng và các địa phương lân cận. Năm 2010 1.400 lao động đến Trung tâm đào tạo, thì đã có 886 lao động làm việc với nước ngoài và hoàn thành thủ tục chờ bay.
Biết rằng lao động xứ người là vất vả, nhưng họ trả lương xứng đáng với sức lao động của chính mình bỏ ra, thì dù rào cản về ranh giới, về bất đồng ngôn ngữ, về tập quán thì người lao động dân gốc Quảng Ngãi vốn chịu thương, chịu khó cũng vượt qua để đủ điều kiện sang xứ người lao động.
Định hướng thị trường lao động
Đã xác định sang nước bạn lao động thì tâm lý ai cũng muốn chọn thị trường lao động có mức thu nhập cao. Ông Đoàn Khắc Chỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Hiện nay Trung tâm đã chọn 8 thị trường phù hợp với lao động Quảng Ngãi; trong đó thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, UAE có mức thu nhập từ 22-30 triệu đồng/tháng, với các nghề: Sản xuất chế tạo, nông, ngư nghiệp, xây dựng; thị trường Malaysia, Inđônêsia, Lào có mức thu nhập trung bình từ 5,5 - 7 triệu đồng/tháng, làm các nghề: sản xuất chế tạo và xây dựng thì tính chất công việc, thời gian gần như nhau, nhưng mức thu nhập chênh nhau giữa nhóm nước thu nhập cao và trung bình quá lớn, vì thế nhiều người đổ xô vào các thị trường thu nhập khá.
Tuy nhiên ở các thị trường này có những quy định khá nghiêm ngặt, buộc lao động phải có sức khỏe, chiều cao, cân nặng, trình độ văn hóa 12, trình độ nghề trung cấp trở lên, chi phí cho việc học lớn. Sau khi đào tạo, nước sở tại phải sát hạch trực tiếp chọn lựa. Trong khi đó, nguồn lao động ở Quảng Ngãi chủ yếu là tay ngang, thuộc các huyện miền núi. Vì vậy trong năm nay Trung tâm sẽ mở những đợt sàn giao dịch nhằm tuyên truyền, tư vấn trực tiếp để các địa phương, người lao động nắm rõ từng thị trường, rồi so chiếu với bản thân có đủ nghề nghiệp, trình độ đáp ứng yêu cầu mà chọn lựa cho phù hợp, hạn chế được chi phí, thời gian.
Theo kế hoạch Trung tâm sẽ mở 9 đợt sàn giao dịch trên địa bàn toàn tỉnh, chủ yếu hướng về các huyện miền núi. Theo ông Võ Duy Yên, bên cạnh tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ tính chất từng thị trường, thì cũng định hướng cho những lao động có đủ điều kiện khả năng sang các nước lao động cho thu nhập cao. Bởi trong năm 2010 Quảng Ngãi đã có hơn 300 em vượt mọi rào cản để đạt tiêu chuẩn sang Hàn Quốc lao động.
Đến nay cả tỉnh đã xuất cảnh hơn 150 em và Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh thuộc tốp đầu ở khu vực miền Trung có số lượng lao động cao nhất sang Hàn Quốc lao động trong thời điểm này.
MAI HẠ