Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020": Cơ hội bền vững cho lao động nông thôn

10:12, 03/12/2010
.

(QNg)- Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", khác với những đề án đào tạo nghề trước đây là dạy cho người lao động nông thôn những nghề mà họ mong muốn  được học và có thể đáp ứng nhu cầu làm việc của họ…
 
Nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, ngày 27/11/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", gọi tắt là Đề án 1956. Theo đó, dạy nghề nông thôn cần triển khai theo các mục tiêu, đó là: Có trường dạy nghề, có cơ sở vật chất, có chương trình đào tạo, có giáo viên, có chính sách cho người học và đặc biệt là có nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp.
 
Lao động nông thôn học nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh.
Lao động nông thôn học nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh.

Đây là yêu cầu xuất phát từ thực tế, nhằm gắn kết người lao động với giải quyết việc làm. Người lao động khi tham gia học nghề ngoài được hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn, tiền đi lại, với mức tối đa 3 triệu đồng/khóa học, sau khi kết thúc còn được giới thiệu việc làm hoặc nếu có nhu cầu sẽ được ưu tiên cho vay vốn để tự tạo việc làm. Để đề án đạt hiệu quả cao khi thực hiện, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến đề án đến mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn làm Trưởng ban). Hiện nay Ban chỉ đạo đang tiến hành điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn sắp tới, theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí học nghề cho lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi (người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập thấp...).

Đề án 1956 còn hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học /người; hỗ trợ tiền đi lại với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học đối với người học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Ngoài ra, đề án còn tạo điều kiện cho LĐNT học nghề được vay vốn để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. LĐNT làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề. LĐNT sau khi học nghề được vay vốn từ  Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm. 

Nói một cách cụ thể, Đề án 1956 không chỉ mở rộng diện lao động khu vực nông thôn sẽ được đào tạo nghề mà còn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Đề án 1956 "trao quyền chọn nghề cho nông dân" đã mở ra cho người nông dân cơ hội được học những nghề mà họ muốn, hoặc họ thấy cần cho cuộc sống và công việc của chính mình.

Nếu như những đề án dạy nghề cho LĐNT trước đây chỉ mang tính "hướng cung" - tức là mới mang những nghề mình có dạy cho bà con nông thôn, nay - Đề án 1956 đã mở ra cơ hội lớn hơn cho người nông dân, họ sẽ được "hướng cầu" - tức là sẽ được học những nghề gì mà mình thích, mình cần.

Ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: Với quy định mới, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tìm đầu ra trong giải quyết việc làm cho người dân  nông thôn. Thực hiện đề án 1956 sẽ xác định được việc học ngành gì, học như thế nào để giải quyết hết số lao động nông thôn cần chuyển đổi...

Nhìn lại những năm trước, để giải quyết việc làm cho người lao động nhằm mục tiêu giảm nghèo, tỉnh ta đề ra chỉ tiêu trong 5 năm (2005 - 2010) mỗi năm tạo việc làm mới và thêm việc làm cho 33.000 lao động trở lên, trong đó tạo việc làm mới cho từ 16.000 đến 18.000 lao động. Ngoài ra mỗi năm tỉnh phấn đấu có ít nhất 30.000 lượt hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn, để thoát nghèo.

Chương trình đặt ra là như vậy, nhưng thực tế những năm qua, chỉ tiêu giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là LĐNT ở tỉnh ta chưa đạt yêu cầu. Do đó, lao động ở nông thôn thiếu việc làm đã trở thành vấn đề bức xúc. Hiện nay đa phần số lao động này không có tay nghề, đặc biệt số lao động trên 40 tuổi trình độ văn hóa thấp, nhưng có nhu cầu học nghề cao.

Vì vậy, chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng cho LĐNT, nhất là đối với số lao động sau khi học xong tiếp tục làm nông nghiệp của Đề án sẽ khuyến khích bà con theo chủ trương "ly nông bất ly hương". Để triển khai có hiệu quả Đề án 1956 nhằm giải quyết việc làm cho LĐNT, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng và phương pháp đào tạo ở các cơ sở đào tạo nghề cho nông dân và con em của họ. Cách thức đào tạo phải tính toán, không đơn thuần là đào tạo kỹ thuật mà phải biết thực hành, nhằm tạo ra kỹ năng trong thao tác, ứng dụng; đào tạo phải gắn chặt với thực tế sản xuất.

Nếu thực hiện tốt đề án về đào tạo nghề cho LĐNT, tỉnh ta sẽ nhanh chóng giải được "bài toán" về việc làm ở nông thôn, tạo cơ hội việc làm bền vững cho người lao động ở nông thôn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.

Bài, ảnh: Xuân Hiếu

.