Ký ức của người lính

09:12, 22/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- "Tháng 5/1965, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) được giải phóng, người dân vui mừng khôn xiết. Nhưng chiến tranh vẫn còn tiếp diễn ở những miền quê khác. Cùng với khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục sản xuất, người dân Nghĩa Hòa còn tích cực tham gia đào hầm, địa đạo, xây dựng làng chiến đấu đề phòng địch càn quét... Tôi đã vào quân ngũ trong hoàn cảnh ấy". Đó là câu chuyện về một thời oanh liệt trong ký ức của Đại tá Huỳnh Minh Giữ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.
[links()]
 
Đi bộ đội ở tuổi 15 
 
Lúc bấy giờ, đóng quân tại xã Nghĩa Hòa có một đơn vị bộ đội, sau này tôi mới biết đây là Đại đội 401 của tỉnh. Nhìn các anh Bộ đội Cụ Hồ, người dân ai cũng quý mến và giấc mơ đi bộ đội của tôi cháy bỏng từ đó. Khi ấy tôi mới 15 tuổi, nên mẹ không đồng ý cho tôi vào bộ đội, vì lý do tôi còn nhỏ, ba tôi đã đi tập kết, anh chị có gia đình riêng... Nhưng rồi mơ ước "được làm anh giải phóng quân" thôi thúc, tôi quyết định trốn nhà xin vào quân ngũ.
 
Đại tá Huỳnh Minh Giữ tặng hoa cho thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2020.           Ảnh: X.T
Đại tá Huỳnh Minh Giữ tặng hoa cho thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2020. Ảnh: X.T
Tôi lên Đại đội 401 xin chỉ huy đơn vị lúc ấy là các chú Kỹ, Dư, Cảnh cho tôi vào bộ đội. Các chú thấy tôi tha thiết quá cuối cùng đã đồng ý nhận tôi vào đơn vị. Mẹ tôi thấy tôi vắng nhà, lại nghe bà con nói “thằng Giữ đang ở đại đội", bà cùng chú Bảy của tôi lên tận đại đội xin cho tôi về. Thương mẹ, thương chú, nhưng tính tôi đã thích việc gì là phải làm bằng được. Dù đơn vị cho tôi về theo nguyện vọng của gia đình, nhưng tôi xin mẹ và chú đồng ý cho tôi ở lại. Biết không thuyết phục được, mẹ tôi cũng chiều ý con. Và cũng chiều hôm ấy, ngày 20/5/1965, tôi trở thành anh giải phóng quân khi vừa tròn 15 tuổi...
 
Ấm áp tình đồng đội 
 
Những ngày đầu trong quân ngũ, tôi được rèn luyện về bản lĩnh, về quyết tâm, về sự chịu đựng gian khổ, ác liệt nơi chiến trường... Tháng 7/1965, đơn vị tôi chuyển về xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh), một vùng quê giải phóng. Năm 1964, địch chưa tàn phá nên ở Tịnh Khê có những rặng dừa san sát bên những nếp nhà. Cạnh rừng phi lao là sóng biển rì rào. Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà, xa quê, xa mẹ già và thấm nỗi nhớ nhà.
 
Tháng 8/1965, đơn vị tôi cùng Đại hội 802 và một số đơn vị khác được hợp nhất thành lập Tiểu đoàn 48, thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi. Sau khi thành lập Tiểu đoàn 48, các đơn vị tổ chức chỉnh trị, chỉnh huấn, luyện quân, chống càn và tập kích vào đồn địch. Đã có một số trận chiến nổ ra ở đồi ông Râu, Thế Long, Thế Lợi (xã Tịnh Phong).
 
Tháng 10/1965, đại đội tôi nhận nhiệm vụ tập kích đồn Bàn Cờ ở xã Tịnh Châu. Trong trận đánh này, tôi bị một mảnh đạn xuyên thẳng từ trước ngực ra sau lưng. Bị thương nặng nhưng tôi đã cố gắng di chuyển đến nơi an toàn. Tôi nằm tại trận địa dưới những cơn mưa đầu mùa đông. Vết thương nhói đau và sự đói khát rã rời sau một ngày chiến đấu khiến tôi kiệt sức. Lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị giao. Mình đã vì Tổ quốc mà hy sinh...
 
Trong màn đêm chiến trường vang vọng tiếng ếch nhái, côn trùng rả rích và mùi thuốc súng nồng nặc... Trong lúc mê man, tôi mơ hồ thấy nhiều bóng người tiến về nơi mình đang nằm. Tôi lờ mờ nhận ra chỉ huy và đồng đội đi tìm mình. Và tôi biết mình sẽ còn sống. Y tá kiểm tra vết thương, băng bó, đưa tôi về tuyến sau tại xã Tịnh Thiện trong vòng tay ấm áp của đồng chí, đồng đội và nhân dân. Từ đây tôi càng thấm thía bài học của quân đội ta: “Còn thương binh, tử sĩ là không rời trận địa”. 
 
Vì độc lập tự do cho dân tộc
 
Đến tháng 3/1967, cuộc chiến ngày càng ác liệt. Các xã phía đông Sơn Tịnh bị tàn phá nặng nề. Những mái nhà, những rặng dừa xanh... giờ đây bị bom đạn cày xới thành một bãi chiến trường. Đơn vị tôi vẫn bám đất giữ làng, bảo vệ vùng giải phóng. Trong một lần chiến đấu, tôi bị bỏng nặng do bom xăng địch. Đơn vị đưa tôi về Khê Thạnh (Tịnh Khê) chuyển cho đội phẩu A100. Sau đó, chuyển tôi về Bệnh xá B23 của tỉnh, nhưng địch chốt tại núi Hòn Dầu (Tịnh Giang), chặn đường về Bệnh xá B23 và hậu cứ của tỉnh. Tôi được gửi vào nhà dân để chăm sóc và chờ ngày địch rút mới chuyển về bệnh xá.
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức của những người lính, những người trong cuộc chiến thì mãi mãi không bao giờ quên. Những kỷ niệm về gia đình, tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân rất khó phai mờ. Tôi càng thấm thía vì sao những người lính không sợ gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Trong khi gia tài của họ chỉ là chiếc ba lô và khẩu súng, nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời... Bởi vì bên cạnh họ có tình cảm thiêng liêng của gia đình, tình đồng đội, tình quân dân, tình yêu quê hương, đất nước. Họ chiến đấu hy sinh để đem lại độc lập tự do cho dân tộc, để nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, ấm no. 
 
XUÂN THIÊN 
(ghi) 
                                   
 
 

.