Phải thấu hiểu thị hiếu người dùng

02:03, 23/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, nói về cà phê, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bảo rằng, chúng ta nghĩ cà phê của mình ngon nhất, nhì thế giới, nhưng thế giới lại không dùng hoặc ít dùng cà phê Việt Nam, đó là điều rất đáng suy nghĩ.
 
Tôi còn nhớ, có mấy lần sang Paris (Pháp), ăn món ăn Việt ở nhà hàng Việt Nam, thì “món mắm truyền thống Việt Nam” mà nhà hàng đưa ra lại là mắm  Thái Lan, nhưng “đội lốt” mắm Phú Quốc của Việt Nam.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cũng có nghĩa là mắm Phú Quốc ngon hơn mắm Thái Lan, mới bị “mượn đỡ tên” như vậy. Muốn đòi lại tên, thì tự mình phải xây dựng thương hiệu, làm sao Châu Âu nói riêng, thế giới nói chung công nhận mắm “Phú Quốc chánh hiệu” của mình.
 
Cà phê Việt Nam không nằm trong trường hợp “bị mượn thương hiệu”, nhưng phải làm thế nào để quốc tế biết đến và muốn uống cà phê Việt Nam? Cái này còn khó hơn là chuyện đòi lại thương hiệu. Biết là khó nhưng phải làm, nếu muốn bán được sản phẩm của mình ra nước ngoài.
 
Lâu nay, cứ nghe nói cà phê sữa Việt Nam là nhất, người nước ngoài ai cũng thích. Người ta dẫn ra hình ảnh những người phương Tây khen cà phê sữa Việt Nam, nhưng đó là một số người đã sang Việt Nam và biết dùng cà phê sữa Việt Nam. Người phương Tây không có thói quen uống cà phê sữa đá “theo kiểu Việt Nam”. Mà đồ uống theo kiểu cà phê, thì quen kiểu nào dùng kiểu đó, quen phin thì dùng phin, quen pha đại trà theo vợt thì dùng theo vợt. Quen cà phê Arabica thì dùng Arabica, quen Robusta hơi chua thì dùng Robusta. Khẩu vị là chuyện không thể tranh cãi.   
 
"Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất, nhì thế giới trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta. Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới?”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi. Câu trả lời khó hơn rất nhiều. Lâu nay chúng ta đều xuất cà phê theo dạng thô, tùy người ta chế biến thế nào, theo kiểu họ quen dùng, là được. Cà phê xuất thô lợi nhuận không cao, nhưng xuất để người ta “dùng ngay” cà phê của mình, lợi nhuận cao, thì họ không quen dùng kiểu đó. Làm sao đây?
 
Cái này, các công ty xuất khẩu cà phê, các “đại gia bán cà phê”, các cơ quan chức năng xuất khẩu cà phê Việt Nam phải nghĩ và phải tìm ra câu trả lời thích hợp thì mới tính chuyện bán cà phê ra nước ngoài theo “dạng tinh chế” được.
 
Khi tôi sang Paris, tôi vẫn uống cà phê ở quán vỉa hè “pha theo kiểu gì không biết” nhưng uống vẫn được. Kể cả muốn uống cà phê phin pha “theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ”, người ta vẫn phục vụ cho mình được. Và giá, dĩ nhiên cao hơn cà phê uống ở vỉa hè Việt Nam.  Bán sản phẩm tinh chế, thì phải thấu hiểu thị hiếu người dùng, là như vậy. Vì sao người tiêu dùng phương Tây thích cá tra Việt Nam? Có thể vì cá ấy chứa nhiều mỡ, mà “người tiêu dùng thông minh” ở phương Tây thì biết, ăn mỡ cá không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe, vậy là mua thôi!
   
THANH THẢO
 

.