(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với các nguồn lực đầu tư, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày càng lan tỏa, mang lại luồng sinh khí và sức bật mới để nông thôn Quảng Ngãi phát triển toàn diện.
[links()]
“Phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh, với 98 xã và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Cái “mới” của các địa phương NTM không chỉ là hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, khang trang và hiện đại, cảnh quan môi trường sạch đẹp, mà cốt lõi chính là chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng nâng cao qua từng năm”, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết.
Nông thôn khởi sắc
Tròn 12 năm trước, khi chương trình NTM bắt đầu triển khai, chính quyền cũng như người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn dè dặt, nhất là những xã được chọn thực hiện thí điểm xây dựng xã NTM. Xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) và Bình Dương (Bình Sơn) là 2 địa phương như thế, bởi xuất phát điểm thấp, sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, thu nhập của người dân bấp bênh, hạ tầng nông thôn còn thiếu và yếu. Khi đánh giá sơ bộ các tiêu chí NTM, 2 xã này chỉ đạt một số tiêu chí cơ bản về an ninh chính trị, trật tự xã hội. Vượt qua khó khăn, lãnh đạo xã Nghĩa Lâm và Bình Dương mạnh dạn thực hiện các tiêu chí NTM theo phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh”.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều làng quê trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Ảnh: Tấn Phát |
Đại ngàn bừng sáng
Về xã Trà Sơn (Trà Bồng) những ngày cuối năm 2022, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay và ấm no trên vùng đất này. Nhà cửa tinh tươm, sạch sẽ, ruộng vườn xanh tốt. Diện mạo của Trà Sơn hôm nay xuất phát từ quan điểm “giúp cần câu, không cho con cá” của chính quyền địa phương.
Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, UBND xã Trà Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện xây dựng NTM; trọng tâm là lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất của người dân để hỗ trợ. Thông qua các mô hình thực tế được tổ chức thực hiện theo hướng “cầm tay chỉ việc”, người dân dần tiếp cận và sử dụng các loại giống mới gắn với ứng dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất. Điều này không chỉ giúp người dân thay đổi phương thức trồng trọt, chăn nuôi, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, mà còn từng bước hình thành việc liên kết, chế biến sản phẩm.
Ông Hồ Văn Tuấn, ở thôn Bắc 2, xã Trà Sơn bộc bạch: "Người dân được Nhà nước hỗ trợ vốn và hướng dẫn thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Vậy nên từ chỗ khó khăn, nhiều hộ như gia đình tôi đã từng bước thoát nghèo, có của ăn của để, cuộc sống khấm khá hơn". Vừa nói, ông Tuấn vừa chỉ vào khu chăn nuôi có 30 con heo thịt, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Tại Ba Động, xã đầu tiên của huyện Ba Tơ đạt chuẩn NTM vào năm 2018 cũng trên hành trình nâng “chất” các tiêu chí. Xuất phát điểm với tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, thu nhập bình quân đầu người thấp, nên giai đoạn đầu thực hiện tiêu chí NTM, chính quyền và người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân xã Ba Động đã thực hiện và hoàn thành các tiêu chí NTM.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Động Nguyễn Đức Hậu cho biết, không chỉ đóng góp nguồn lực để cùng với Nhà nước thực hiện nhóm tiêu chí hạ tầng, người dân còn thay đổi phương thức sản xuất, phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Kết quả này không chỉ nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn là động lực và mục tiêu để địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Phấn đấu đến năm 2025, xã Ba Động đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đánh thức vùng ven biển
Nếu như khu vực đồng bằng, trung du, miền núi cơ sở hạ tầng nông thôn đổi mới, năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng lên, thì đối với vùng ven biển, chương trình NTM hướng sự phát triển vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đặc biệt là khai thác các điểm đến gắn liền với sự kiện chính trị, quần thể di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh và cả nước như đảo Lý Sơn, bãi biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh hay Châu Me...
Người dân thôn Cà Ninh, xã Bình Phước (Bình Sơn) phát triển du lịch cộng đồng nhờ rừng dừa nước. Ảnh: Thanh Trung |
Những năm qua, tỉnh đã chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển gắn với khai thác phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội... cộng đồng ven biển. Qua đó góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Năm 2022, lưu lượng khách đến tỉnh đạt 650 nghìn lượt, tăng hơn 2 lần và doanh thu đạt 700 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tuy còn khiêm tốn, nhưng kết quả trên cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch biển của tỉnh rất dồi dào và phong phú, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, Sở sẽ tham mưu tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích, kêu gọi, thu hút đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đạt tiêu chuẩn cao cấp gắn với đa dạng các sản phẩm du lịch. Tập trung là các loại hình sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí ven biển; đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý và khai thác các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng của du khách trong cả nước cũng như khu vực. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, góp sức hoàn thành các tiêu chí NTM ở các xã ven biển.
MỸ HOA