Thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị mất kết nối: Xử lý nghiêm nhà cung cấp thiếu trách nhiệm

09:11, 15/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) bị mất kết nối là do nhà cung cấp chậm sửa chữa, khắc phục những hư hỏng; có trường hợp nhà cung cấp tự ý ngắt kết nối nhưng chậm kích hoạt lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hoạt động tàu cá của ngành chức năng, mà còn khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị thiệt hại nặng.
[links()]
 
Khó cho ngư dân
 
Từ đầu năm đến nay, qua hệ thống giám sát tàu cá địa phương, lực lượng chức năng phát hiện 652 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m bị mất kết nối trên biển quá 10 ngày. Đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng thông báo có 30 tàu cá của tỉnh bị mất kết nối trên biển quá 10 ngày. Qua tìm hiểu, ngoài một số trường hợp ngư dân cố tình tắt thiết bị VMS, nguồn điện không ổn định, thì có tình trạng nhà cung cấp dừng dịch vụ do chủ tàu chậm đóng cước phí; hoặc có trường hợp thuyền trưởng cũng không hiểu vì sao thiết bị lại mất kết nối.
 
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số thiết bị VMS bị hư hỏng nhưng đơn vị cung ứng không sửa chữa, khắc phục khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số thiết bị VMS bị hư hỏng nhưng đơn vị cung ứng không sửa chữa, khắc phục khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ngư dân Lê Văn Thuận, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cho biết, nguồn điện ổn định, cước phí đóng đủ, thiết bị nguyên trạng, nhưng có chuyến biển tôi nhận được thông báo của lực lượng chức năng là tàu cá đã bị mất kết nối 4 giờ. Tôi cũng không hiểu vì sao lại xảy ra sự cố này. Khi tàu cập bờ, tôi báo với đơn vị cung cấp để kiểm tra thiết bị thì họ cũng không phát hiện lỗi!
 
Theo quy định, tàu cá vươn khơi bị mất kết nối 6 giờ thì Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) sẽ báo cáo về trung tâm giám sát; đồng thời thông tin cho lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương và chủ tàu để thông báo tới thuyền trưởng khẩn trương khôi phục. Những tàu mất kết nối quá 10 ngày thì khi trở về bờ, các đơn vị chức năng sẽ xác minh nguyên nhân, trước khi tiến hành các biện pháp xử lý. Vì vậy, những tàu bị mất tín hiệu quá 6 giờ, nhưng thuyền trưởng không thể tự khắc phục được nên lo lắng, nhiều người phải bỏ dở chuyến biển để quay vào bờ.
 
Ngoài ra, ngư dân cũng phản ánh, đơn vị cung cấp thu phí tái kích hoạt dịch vụ rất cao, như: Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa L Trần là 1 triệu đồng/lần; Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh 820 nghìn đồng/lần; Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Vishipel) 385 nghìn đồng/lần...   
 
Nhà cung cấp chưa làm tròn trách nhiệm
 
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, có 7 đơn vị tham gia cung ứng và lắp đặt thiết bị VMS cho 2.942 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của tỉnh. Trong đó, có một số đơn vị để xảy ra tình trạng kẹp chì không đảm bảo; thiết bị trục trặc, hư hỏng nhưng không sửa chữa, khắc phục cho ngư dân, dù còn thời gian bảo hành; tự ý dừng cung cấp dịch vụ, dù ngư dân đóng cước phí đầy đủ...
 
Điển hình như thiết bị VMS mang nhãn hiệu inReach Mini do Công ty TNHH Garmin sản xuất, Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa L Trần cung ứng và lắp đặt liên tục mất tín hiệu từ giữa tháng 10 đến nay. Tuy nhiên, khi ngư dân liên lạc thì nhân viên chỉ “phỏng đoán” qua điện thoại là do nguồn điện không ổn định, chứ không đến tàu để kiểm tra và sửa chữa, khắc phục. Điều này khiến ngư dân bức xúc vì phải chờ đợi, dẫn đến trễ chuyến biển, thậm chí không thể vươn khơi. Mới đây, Công ty HTC Viễn thông Quốc tế (HTC-ITC), đơn vị cung cấp thiết bị VMS inReach Mini giải thích rằng, vì Công ty TNHH Garmin đơn phương chấm dứt hợp đồng bán lẻ tín hiệu vệ tinh cho HTC-ITC, dẫn đến thiết bị VMS mang nhãn hiệu inReach Mini bị mất tín hiệu. Điều này khiến chủ của 178 tàu cá trên địa bàn tỉnh có sử dụng thiết bị VMS mang nhãn hiệu inReach Mini lo lắng.
 
Chính quyền các địa phương ven biển và ngư dân cho rằng, Nhà nước cần ban hành quy chuẩn về thiết bị VMS tàu cá, vì mỗi đơn vị lắp đặt một kiểu nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý. Đồng thời, cần có đường dây nóng tiếp nhận và xử lý ngay những vấn đề ngư dân phản ánh, đặc biệt là việc xác định nguyên nhân thiết bị mất tín hiệu để xử lý kịp thời. Có chế tài xử lý đối với các nhà cung cấp thiết bị VMS chậm khắc phục, sửa chữa những hư hỏng, trục trặc kỹ thuật, cũng như không cập nhật thông tin tình trạng thiết bị trên hệ thống giám sát tàu cá.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.