Một số chương trình tín dụng chính sách còn bất cập

05:10, 12/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, những xã về đích nông thôn mới không được hưởng chương trình vay vốn sản xuất, kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Chương trình cho vay giải quyết việc làm thì phân bổ vốn quá ít, dẫn đến “cung không đủ cầu”. Đây là những vướng mắc cần được tháo gỡ để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả cao nhất.
[links()]
 
                 Gặp khó khi xã ra khỏi vùng khó khăn
 
Xã Thanh An (Minh Long) có khoảng 3.600 nhân khẩu, với 95% là đồng bào dân tộc Hrê. Giai đoạn 2017 - 2020, Thanh An là xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) nên người dân trên địa bàn được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó có tín dụng chính sách theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn (Quyết định số 31). Từ tháng 3/2021, xã Thanh An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn không còn được áp dụng trên địa bàn xã.
 
Tuy nhiên, theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, xã Thanh An có 6 thôn đặc biệt khó khăn.
 
Do đó, người dân ở 6 thôn đặc biệt khó khăn của xã vẫn tiếp tục được thụ hưởng các chính sách dành cho địa bàn khu vực III như trước thời điểm Thanh An “về đích” nông thôn mới. Riêng chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 31 là người dân ở 6 thôn này không được thụ hưởng.
 
Nguyên nhân là, “vùng khó khăn” theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 31 chỉ bao gồm các đơn vị hành chính cấp xã, không có cấp thôn. Do đó, khi xã Thanh An đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành xã khu vực I, thì tất cả hộ gia đình không thể tiếp cận vốn chính sách ưu đãi theo Quyết định số 31 dù trên thực tế, nguồn vốn này là rất cần thiết đối với người dân ở 6 thôn đặc biệt khó khăn của xã.
 
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thanh An (Minh Long) không còn được vay vốn theo chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để phát triển kinh tế, vì xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thanh An (Minh Long) không còn được vay vốn theo chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để phát triển kinh tế, vì xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đơn cử như gia đình chị Đinh Thị Tri, ở thôn Đồng Vang, xã Thanh An có nhu cầu vay 50 triệu đồng từ chương trình SXKD vùng khó khăn, để đầu tư trồng keo, chăn nuôi trâu, nhưng vì xã Thanh An đã về đích nông thôn mới nên chị không được vay vốn theo
Quyết định số 31.
 
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Minh Long Ngô Phi Cường cho biết, 2/5 xã của huyện đã về đích nông thôn mới, nên một số chương trình giảm dư nợ rõ rệt, nhất là chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn. Trong khi những đối tượng vay chương trình này phát huy hiệu quả nguồn vốn rất tốt, trả lãi, nợ gốc đúng hạn.
 
                         Cung không đủ cầu
 
Từ khi huyện Nghĩa Hành về đích nông thôn mới, 2 xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây không còn nằm trong danh sách xã thuộc vùng khó khăn nên người dân không được vay vốn ưu đãi từ chương trình SXKD. Thiếu vốn, nhiều hộ dân trên địa bàn xin vay vốn giải quyết việc làm nhưng chưa được đáp ứng.
 
Chị Phạm Thị Huê, ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây chia sẻ, tôi được vay vốn của Ngân hàng CSXH từ khi còn là hộ cận nghèo. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này, gia đình tôi đã thoát nghèo. Sau đó, tôi tiếp tục vay vốn để mua thêm đất trồng keo, nuôi trâu, nhưng do vốn còn ít nên chưa thể đầu tư làm ăn lớn hơn. Giờ nếu có vốn giải quyết việc làm, tôi sẽ vay 50 triệu đồng để đầu tư thu mua keo và mở rộng chăn nuôi.
 
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành Đỗ Văn Kha cho biết, phòng giao dịch đã đăng ký nguồn vốn giải quyết việc làm trong năm 2022 cho huyện Nghĩa Hành là 12 tỷ đồng. Đến thời điểm này, huyện Nghĩa Hành đã được phân bổ gần 6 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay hết. So với các năm, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm năm nay được phân bổ nhiều nhất. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn. 
 
“Từ khi trở thành huyện nông thôn mới đến nay, huyện Nghĩa Hành có rất nhiều chương trình tín dụng chính sách giảm dư nợ rõ rệt như cho vay SXKD vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo, cận nghèo... Vì vậy, để người dân nâng cao thu nhập, thì cấp trên cần ưu tiên nguồn vốn giải quyết việc làm cho địa phương để triển khai cho vay”, ông Kha kiến nghị.
 
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA

.