(Báo Quảng Ngãi)- Việc Ủy ban Châu Âu (EC) kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) vào cuối tháng 10/2022, là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng”, tiến đến tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
[links()]
Hiện nay, Quảng Ngãi cũng như 27 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước đang khẩn trương, nỗ lực thực hiện hoàn thiện các nội dung chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC; đồng thời, chuẩn bị tổ chức đón Ðoàn thanh tra của EC trong trường hợp được lựa chọn để kiểm tra. Ngày 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác chống IUU tại các cảng cá và các trạm kiểm soát biên phòng trên địa bàn tỉnh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền làm Trưởng đoàn.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Chế biến thủy sản Hưng Phong (KCN Quảng Phú) Trần Thị Kim Trúc cho biết, gần 5 năm kể từ khi EC áp “thẻ vàng”, cộng đồng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đã nỗ lực thực hiện các cam kết chống khai thác IUU, nhất là tổ chức thực hiện kiểm soát trong quá trình thu mua, tiếp nhận, chế biến và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu. Bị áp “thẻ vàng” thủy sản không chỉ khiến 100% lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Châu Âu bị kiểm tra chặt chẽ, mà các nước cũng áp dụng hàng rào kỹ thuật khiến DN mất cơ hội xuất khẩu, hoặc mở rộng thị trường.
Trong khi ngành thủy sản từ đầu năm tới nay chật vật vì thiếu nguyên liệu, chi phí sản xuất quá cao, lại đối mặt với những rủi ro bị đối tác trả hàng. Vì vậy, DN kỳ vọng đợt kiểm tra đến, Việt Nam sẽ gỡ được “thẻ vàng” thủy sản.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề DN quan tâm trong hành trình gỡ “thẻ vàng” là việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của EC. Vẫn còn tình trạng hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được kiểm tra không truy xuất được dữ liệu tàu cá cập cảng và sản lượng bốc dỡ từ sổ cái.
Cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho ngư dân và các hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ khai thác xa bờ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. |
Đồng thời, khối lượng xác nhận nguyên liệu không khớp với nhật ký khai thác và biên bản kiểm soát tàu cá cập cảng, do nhiều chủ tàu chưa nộp nhật ký, báo cáo khai thác theo quy định. Trong khi đó, Châu Âu được xem là thị trường “tín chỉ” để các nước áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Chẳng hạn như Mỹ đã triển khai Chương trình giám sát thủy sản xuất khẩu áp dụng cho tôm và 13 loài thủy sản. Hay như từ ngày 1/12/2022, Nhật Bản sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU đối với 4 loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này, gồm: Mực ống và mực nang, cá thu đao Thái Bình Dương, cá thu mackerel và cá trích.
Để hoàn thiện các nội dung khuyến nghị của EC, Quảng Ngãi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt các nội dung liên quan đến quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá, như: Lắp đặt và duy trì hệ thống thiết bị giám sát hành trình, không xâm phạm hoặc vượt ranh giới vùng biển trong quá trình khai thác hải sản.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh bố trí cán bộ trực 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, cũng như công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá. Các ban quản lý cảng cá kiểm tra và yêu cầu tàu cá xuất, nhập cảng phải chấp hành quy định báo cáo trước 1 giờ cho ban quản lý cảng; rà soát nhật ký khai thác và hồ sơ truy suất nguồn gốc thủy sản theo chuỗi, đảm bảo số liệu phải khớp giữa các đơn vị liên quan.
Cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho ngư dân
“Thẻ vàng” IUU vừa là thách thức, cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp đánh giá toàn diện tình hình khai thác, cũng như tình hình đầu tư hạ tầng phục vụ chế biến, xuất khẩu thủy sản. Qua đó, xây dựng phương án tái cấu trúc lĩnh vực thủy sản gắn với thay đổi phương thức sản xuất của ngư dân, chuyển từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá hiện đại”.
Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất nước, nhưng hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá “vừa thiếu lại vừa yếu”. Vì vậy, việc thay đổi phương thức cũng như hình thành “nghề cá hiện đại” cần thời gian và nguồn lực đầu tư tương xứng.
“Ngư dân vươn khơi không chỉ vì kế mưu sinh, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc theo tinh thần “Mỗi ngư dân, mỗi chiếc tàu vươn khơi là một cột mốc sống trên biển”. Do đó, ngư dân cũng như các hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ cần được Nhà nước tiếp sức thông qua cơ chế ưu đãi đặc biệt để họ yên tâm bám biển khơi xa”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 thông qua Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã (HTX) dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020 (NQ 02). Theo đó, các HTX sẽ được ưu tiên thuê cơ sở hạ tầng tại vùng đất cảng trên địa bàn tỉnh để sản xuất, kinh doanh dịch vụ nghề cá và ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê trong 5 năm đầu.
Ngoài ra, HTX có dự án, phương án đầu tư khả thi được ngân hàng chấp thuận cho vay, thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 1 năm đầu và 50% trong 2 năm kế tiếp, với mức vay tối đa không quá 5 tỷ đồng/HTX. Chính sách có nhưng HTX dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ vẫn gặp khó, thậm chí không thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, dẫn đến 4/8 HTX hoạt động cầm chừng, hoặc tạm dừng hoạt động.
Tại buổi kiểm tra tình hình khai thác thủy sản và công tác đầu tư hạ tầng cảng cá tại Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) vào sáng 26/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cùng với Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với ngư dân, HTX và tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản xa bờ. Bởi vì đây không chỉ đơn thuần là gỡ “thẻ vàng” IUU, mà còn là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng ổn định, bền vững.
Bài, ảnh: MỸ HOA