(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Ba Tơ tập trung phát triển cây keo nguyên liệu và dần chuyển sang trồng cây gỗ lớn phục vụ chế biến lâm sản. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành các cụm công nghiệp, thu mua, sơ chế nguyên liệu keo, đặc biệt là chế biến gỗ thanh, ván lạng tăng thu nhập cho người trồng rừng.
[links()]
Trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị
Anh Phạm Văn Đệ, ở thôn Nước Y, xã Ba Vinh cho biết, gia đình tôi có 5ha trồng cây nguyên liệu keo. Nhờ trồng theo kiểu “gối đầu”, nên năm nào cũng có keo để thu hoạch. Vừa qua, tôi bán 2ha keo lai 6 năm tuổi, mang lại thu nhập khá. Hiện tại, bình quân mỗi năm, gia đình tôi có lãi gần 100 triệu đồng.
Bây giờ, ở huyện Ba Tơ, hầu hết đồng bào đều sinh sống nhờ trồng cây keo nguyên liệu. Trước đây, nhiều hộ dân đã thu hoạch keo chưa đủ tuổi, khai thác với diện tích rộng đã gây xói mòn ở nhiều khu đồi và gây nên sạt lở núi. Từ khi tỉnh chủ trương trồng rừng gỗ lớn và kết hợp giữa việc trồng cây gỗ lớn với những cây bản địa để ngăn chặn sự xói mòn đất đai đã mở ra hướng đi mới cho người trồng rừng ở Ba Tơ.
|
Người dân xã Ba Vinh (Ba Tơ) thu hoạch keo. |
Đặc biệt, sau khi Cụm công nghiệp xã Ba Động hình thành đã thu hút Công ty TNHH Hoàng Phú Sơn đến đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến gỗ thanh, ván lạng, giúp tiêu thụ gỗ keo trên địa bàn huyện. Phó Giám đốc Nhà máy Chế biến gỗ thanh, ván lạng Thái Hữu Việt cho biết, sản phẩm gỗ thanh của công ty đáp ứng cho các nhà máy chế biến đồ gia dụng và ván lạng để các cơ sở chế biến đóng kiện hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, để nhà máy hoạt động ổn định trên vùng nguyên liệu dồi dào, đòi hỏi phải tập trung phát triển rừng cây gỗ lớn (chu kỳ 8 -10 năm) mới đảm bảo chất lượng gỗ để chế biến.
Theo cán bộ kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ Lê Sỹ Sinh thì, để chuyển hóa từ rừng gỗ nguyên liệu sang rừng gỗ lớn phải mất 10 năm. Ban đầu rừng trồng 2.000 cây/ha. Sau 5 năm trồng sẽ tỉa thưa xuống còn từ 800 đến 1.200 cây. Đến khi thu hoạch cây trồng đạt chiều cao khoảng 25m và năng suất đạt 240 tấn/ha.
Cần khuyến khích, hỗ trợ người dân
Huyện Ba Tơ hiện có gần 9.200ha rừng trồng sản xuất, sản lượng gỗ khai thác hằng năm ước đạt hơn 1,1 triệu mét khối. Huyện Ba Tơ đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện, với mục tiêu trồng hơn 41 nghìn cây trên diện tích 41,25ha; độ che phủ của rừng đạt trên 67,47%. |
Ông Lê Sỹ Sinh khẳng định, việc chuyển từ trồng rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn chắc chắn sẽ đem lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn. "Với 3ha rừng keo nguyên liệu, gia đình tôi đã chuyển sang trồng rừng gỗ lớn 1ha. Sau 5 năm trồng, tôi đã thu hoạch 800 cây, số còn lại đang phát triển tốt; đến 1 chu kỳ kế tiếp sẽ thu hoạch trên 200 tấn gỗ, giá trị mang lại sẽ cao hơn việc bán keo để chế biến dăm gỗ", ông Sinh cho biết.
Tuy nhiên, đối với những hộ dân trồng rừng có diện tích khoảng 1ha trở lại thì rất khó thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Vì chu kỳ trồng rừng phải nâng lên 10 năm mới thu hoạch (thay vì 5 năm như trước), trong khi cuộc sống người dân còn khó khăn, cần có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Hiện nay, huyện Ba Tơ khuyến khích những hộ có diện tích rừng trồng lớn tham gia trồng rừng gỗ lớn. Về phía doanh nghiệp cần hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn về kỹ thuật, cây giống để người dân trồng rừng và bán gỗ cho doanh nghiệp, qua đó vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất.
Bài, ảnh:
A.NGUYỆT