Làng nghề truyền thống: Còn nhiều khó khăn trong hoạt động

10:08, 21/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, một số sản phẩm làng nghề có sự thay đổi về mẫu mã, đẩy mạnh quảng bá ra thị trường, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều làng nghề truyền thống hoạt động nhỏ lẻ, sản phẩm chưa phù hợp với thị hiếu người dùng, công nghệ lạc hậu...
 
[links()]
 
Nỗ lực giữ nghề
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 5.571 cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động có hiệu quả, với 7 nhóm ngành nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP. Trong đó, có 107 doanh nghiệp, 33 hợp tác xã (HTX), 7 tổ hợp tác và 5.424 hộ gia đình, với doanh thu hơn 964 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động, thu nhập bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn đã có sự cải tiến về mẫu mã, chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định, được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh như mạch nha, nước mắm, bánh mè, cá cơm rim...
 
Phụ nữ Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) truyền nghề cho nhau về cách dệt hoa văn trên thổ cẩm truyền thống. Ảnh: H.H
Phụ nữ Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) truyền nghề cho nhau về cách dệt hoa văn trên thổ cẩm truyền thống. Ảnh: H.H
Thời gian qua, nhiều cơ sở ngành nghề nông thôn đã được hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất như: Máy ép dầu phụng cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ), HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Trà (Sơn Tịnh), máy đóng gói trà túi lọc nấm linh chi cho HTX Sản xuất, kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức), dây chuyền sản xuất rượu nếp ngự Sa Huỳnh cho HTX Nông nghiệp Phổ Châu (TX.Đức Phổ), máy bóc vỏ tỏi cho HTX Nông nghiệp Sinh thái Lý Sơn. Nhờ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm được người tiêu dùng tiếp nhận; tạo mối liên kết trong tiêu thụ nông sản và các sản phẩm được chế biến từ nông sản.
 
Trong giai đoạn 2009 - 2014, UBND tỉnh đã công nhận 1 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 7 nghề truyền thống, với 496 cơ sở hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 1.100 lao động; doanh thu ước đạt gần 43 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 4,4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều làng nghề có hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt như: Mộc Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), chổi đót Phổ Phong (TX.Đức Phổ), mây tre đan Ba Thành (Ba Tơ), sản xuất bún Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa)...
 
Với nghề truyền thống dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành, người dân có ý thức ngày càng cao trong việc giữ gìn và phát triển nghề. Ngày càng có nhiều nghệ nhân trẻ tham gia giữ gìn nghề dệt, có tâm huyết với nghề và tạo ra các sản phẩm có nhiều hoa văn, mẫu mã độc đáo, sắc sảo, tinh tế; có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, đa số các sản phẩm ngành nghề nông thôn hiện nay vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đủ tiêu chuẩn hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các làng nghề chưa tạo ra được sản phẩm độc đáo, chuyên biệt, mang tính “độc quyền” để đầu tư chiều sâu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ việc gia tăng hàm lượng sáng tạo của sản phẩm. Sản phẩm còn đơn điệu, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.
 
Hiện nay, một số ngành nghề, nghề truyền thống đang dần mai một, không có người nối nghề như nghề gốm Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đã không còn đảm bảo tiêu chí theo quy định mới, như làng nghề chế biến hải sản Thạch By (TX.Đức Phổ), làng nghề truyền thống mắm Đức Lợi (Mộ Đức)... Riêng nghề truyền thống sản xuất bún Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) hoạt động tốt, đủ số hộ làm nghề theo tiêu chí của Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, nhưng điều kiện về môi trường chưa được đảm bảo.
 
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ngô Văn Hưng cho biết, trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với địa phương để lập hồ sơ đề nghị công nhận các nghề truyền thống: Mây tre đan xã Ba Thành, chổi đót xã Phổ Phong. Hỗ trợ các làng nghề, nghề truyền thống xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ các cơ sở có các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm. Tiếp tục bảo tồn các làng nghề, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa của các dân tộc. Mở những lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại một số nghề có nguy cơ mai một như nghề gốm Mỹ Thiện...
 
 HỒNG HOA
 
 

.