(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có nhiều khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, khảo sát, đề xuất đầu tư các dự án.
[links()]
Nỗ lực xúc tiến đầu tư
Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư mới đến với Quảng Ngãi. Điển hình là chuyến tham gia Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Khu vực Lãnh sự và tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) vào tháng 7/2022, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên làm Trưởng đoàn. Trước đó, tỉnh đã làm việc với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội để kết nối, trao đổi một số thông tin về các lĩnh vực, ngành nghề hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm và muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, mời gọi đầu tư vào Quảng Ngãi; tham dự quảng bá xúc tiến tại Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc tại Bình Định...
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương (bên phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp nhẹ Bình Hòa - Bình Phước. ẢNH: THANH NHỊ |
Trong 7 tháng năm 2022, Ban Quản lý đã cấp phép đầu tư mới cho 4 dự án, vốn đăng ký khoảng 63,61 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án (trên 31 triệu USD); giải quyết việc làm mới cho hơn 5.400 lao động, đạt trên 90% kế hoạch năm.
Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án
Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi khoảng 18 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện trên 50% và giải quyết việc làm cho khoảng 70 nghìn lao động. Sau 26 năm hình thành, KKT Dung Quất đã có bước phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp nặng gắn với cảng nước sâu Dung Quất đảm bảo tiếp nhận tàu đến 200 nghìn DWT; là hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. |
Một trong những khó khăn, vướng mắc đối với công tác thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đó là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án kéo dài, dẫn đến nhà đầu tư khó tiếp cận đất đai, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết thêm, thời gian đến, Ban Quản lý sẽ tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng và huy động các nguồn lực để xây dựng các khu tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong KKT Dung Quất, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và triển khai các dự án. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các dự án có quy mô lớn và có tính lan tỏa như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án nhà máy điện khí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Sembcorp; Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất; KCN, Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, KCN nhẹ Bình Hòa - Bình Phước và các dự án đầu tư hạ tầng trong các khu chức năng.
Với lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, Khu Kinh tế Dung Quất đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. ẢNH: DS |
PHẠM DANH