Phát triển rừng hiệu quả, bền vững

08:08, 23/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, hoặc phát triển rừng trồng theo hướng hiệu quả, bền vững, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, nhất là xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rừng.
 
[links()]
 
Những năm gần đây, phong trào trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi phát triển mạnh. Nhiều hộ gia đình thuê đất, vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng rừng. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022 đến nay, giá keo nguyên liệu liên tục tăng cao và đang ở mức trên 1,7 triệu đồng/tấn (cao nhất từ trước đến nay), dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt bán keo non cho các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu. 
 
Giá keo tăng cao nên nhiều người dân trong tỉnh ồ ạt khai thác và bán keo non.
Giá keo tăng cao nên nhiều người dân trong tỉnh ồ ạt khai thác và bán keo non.
Sau vài tháng khai thác ồ ạt, đến nay nguồn nguyên liệu đã dần cạn kiệt khiến nhiều nhà máy, DNchế biến gỗ phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Ông Lê Văn Tâm, một thương lái thu mua keo ở huyện Sơn Tịnh cho biết, trước đây, chúng tôi thu mua keo từ 4,5 - 5 năm tuổi. Nhưng những tháng gần đây, giá keo tăng, nhiều người bán keo chỉ mới 3 - 3,5 năm tuổi. Hiện giá keo đã tăng thêm 20 nghìn đồng/tấn so với vài ngày trước, nhưng diện tích keo có thể khai thác được đã gần hết, thời gian tới sẽ không có keo để mua.
 
Theo ngành lâm nghiệp, keo đạt tiêu chuẩn về kinh doanh gỗ lớn phải đạt đường kính từ 20cm trở lên (khoảng 7 năm tuổi). Còn keo nguyên liệu phải 5 năm tuổi mới đảm bảo chất lượng và năng suất. Việc khai thác keo non làm giảm đáng kể giá trị kinh tế của rừng trồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Song, cái khó hiện nay là chủ rừng toàn quyền quyết định thời gian thu hoạch rừng họ trồng, nên chính quyền địa phương chỉ có thể tuyên truyền, không can thiệp được.
 
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết, xảy ra tình trạng bán keo non là do người trồng keo trong tỉnh chưa liên kết với các DN lớn để trồng keo xen cây gỗ lớn, cũng như chưa thực hiện việc trồng rừng và quản lý rừng bền vững. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng rừng trồng, chế biến và thương mại lâm sản trên địa bàn tỉnh. Theo  đó, yêu cầu chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non. Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện việc liên kết trồng rừng theo hướng hiệu quả, bền vững. Các DN, cơ sở chế biến gỗ có sử dụng gỗ rừng trồng cam kết với chính quyền địa phương và sở, ngành, cơ quan chức năng về việc không thu mua và sử dụng keo non làm nguyên liệu chế biến.
 
Hiện tại, Sở NN&PTNT đang hoàn thiện Đề án Liên kết phát triển trồng rừng sản xuất trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, người trồng rừng và DN là chủ thể thực hiện, còn ngành nông nghiệp là cầu nối, hỗ trợ về mặt pháp lý, tránh trường hợp các bên tự phá vỡ liên kết. Việc liên kết phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người trồng rừng và DN... Định hướng của tỉnh là hạn chế xuất khẩu dăm gỗ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng. Đồng thời, sẽ chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sang gỗ lớn, nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.