(Baoquangngai.vn)- Rừng phi lao (dương liễu) phòng hộ ven biển là 'lá chắn' góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, trong quá trình lập quy hoạch và triển khai các công trình, dự án ven biển, chính quyển các cấp rất quan tâm đến việc bảo vệ rừng phòng hộ ven biển để đảm bảo sự phát triển bền vững.
[links()]
Chỉnh hướng tuyến để giữ rừng
Dự án Đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh đoạn Km69+145 – Km76+092, bổ sung vào giai đoạn IIb của dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích sử dụng đất dự kiến 15,3ha, tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng và đi qua địa bàn huyện Mộ Đức.
Dự kiến, để thực hiện đoạn đường gần 7km này, dự án sẽ sử dụng diện tích đất khoảng 15,3 ha, trong đó có gần 7,2 ha rừng ven biển, gồm rừng phòng hộ hơn 6 ha (nằm trên địa bàn xã Đức Minh) và phần còn lại là rừng sản xuất. Theo tính toán, dự kiến sẽ có hơn 8.000 cây phi lao hàng chục năm tuổi, thuộc tiểu khu 306, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức buộc phải nhường vị trí cho tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đi qua.
Tuy nhiên qua xem xét và tính toán của chủ đầu tư, chính quyền địa phương cũng như để giữ được rừng theo ý nguyện người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định điều chỉnh quy hoạch, hướng tuyến theo hướng khác để giữ cánh rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi.
Cánh rừng phi lao hàng chục năm tuổi là 'lá chắn' vững chắc cho người dân ven biển trước gió bão. |
Đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký Quyết định số 416/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ hướng tuyến Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn Km69+145 - Km94 qua địa bàn huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ, đi tránh rừng phòng hộ trong khu vực, giảm diện tích đất rừng phòng hộ bị tác động đến mức tối thiểu. Hướng tuyến mới đi tránh rừng phòng hộ, phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất của huyện Mộ Đức, TX.Đức Phổ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước đó.
Mặc dù, tuyến đường sau khi điều chỉnh sẽ không được thẳng như dự kiến trước đó, vì phải đi men theo bìa rừng. Tuy nhiên, đổi lại, rừng dương dọc biển dài 25km, có nơi rộng tới 1km, được giữ lại gần như trọn vẹn.
Với người dân địa phương ven biển vùng dự án đi qua, khi nghe tin lãnh đạo tỉnh đã có quyết định điều chỉnh tuyến để ‘né’ rừng phòng hộ thì ai cũng vui. Bởi, nếu hướng tuyến trước đây, sẽ trực tiếp làm mất đi hàng chục ha rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi. “Nghe tỉnh quyết định điều chỉnh hướng tuyến đường không xuyên rừng phi lao nữa chúng tôi mừng lắm. Người dân chúng tôi mong tuyến đường sớm được thi công và hoàn thành để góp phần phát triển kinh tế địa phương và kết nối với các địa phương ven biển trong và ngoài tỉnh”, ông Trần Thanh Vạn ở xã Đức Minh (Mộ Đức) nói.
Lá chắn đa năng
Liên quan đến việc bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, mới đây, tại cuộc họp UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về đồ án Quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, ngoài các nội dung chỉ đạo khác, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh lưu ý Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn và các địa phương ven biển, trong quá trình lập quy hoạch phải giữ nguyên diện tích rừng phòng hộ, dứt khoát không được xâm hại; đồng thời mở rộng, phát triển thêm rừng phòng hộ ven biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, rừng phòng hộ ven biển có rất nhiều tác dụng trong việc chống gió, chống cát và sa bồi, thủy phá. Vì vậy, chúng ta phải giữ và mở rộng thêm diện tích rừng phòng hộ để giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; cân bằng, bảo vệ đời sống của người dân ven biển cũng như khai thác thác một cách hợp lý để gia tăng giá trị cảnh quan phục vụ phát triển du lịch và thúc đẩy các hoạt động cộng đồng.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đai rừng phòng hộ ven biển rất quan trọng, vì vậy việc bảo toàn diện tích quy hoạch rừng phòng hộ ven biển là rất cần thiết.
Những cây phi lao hàng chục năm tuổi được người dân miền biển giữ gìn và bảo vệ. |
Với khoảng 500ha rừng ven biển, chủ yếu là rừng phi lao, huyện Mộ Đức là một trong những huyện ven biển có diện tích rừng phòng phòng hộ ven biển lớn của tỉnh. Hàng chục năm qua, cánh rừng phòng hộ là “lá chắn” hữu hiệu trong việc ngăn chặn sóng gió, bão tố, chống sạt lở, xâm nhập mặn, bảo vệ đất sản xuất, nhà cửa và cuộc sống yên lành cho hàng chục ngàn hộ dân.
Ông Võ Minh Sang ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) khẳng định: Từ bao đời nay, nhờ có rừng cây phi lao phòng hộ che chở ngoài bờ biển nên cuộc sống, sản xuất của chúng tôi mới được yên bình. Ông Sang dẫn chứng: Nhiều lúc bão tố, gió từ biển thổi vào rất mạnh, nhờ có cánh rừng phòng hộ nên đã làm giảm sức mạnh của gió, tránh sự tàn phá của gió bão ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình hạ tầng ven biển và cát từ ngoài biển không thể bay vào xâm lấn đất nông nghiệp.
Hơn nữa, những cánh rừng này cũng tạo nên môi trường sống trong lành cho người dân. Chính vì thế, người dân ven biển rất có ý thức trong việc bảo vệ và trồng cây gây rừng.
Chính quyền các địa phương đang tiến hành triển khai những biện pháp bảo vệ và trồng mới để tăng diện tích rừng phòng hộ. |
Mặc dù rừng phi lao được người dân gìn giữ rất tốt nhưng trong đợt bão số 9/2020 đã làm thiệt hại phần diện tích rất lớn rừng phi lao. Để khôi phục lại diện tích rừng đã mất, huyện Mộ Đức đã xây dựng kế hoạch trồng và chăm sóc hơn 100ha rừng thay thế và sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân nhận định, rừng phi lao trải dài dọc theo ven biển qua huyện Mộ Đức có tác dụng rất lớn đến cuộc sống cộng đồng dân cư và được người dân gìn giữ, bảo vệ từ bao đời nay.
"Để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, về phía chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đang có kế hoạch trồng mới, thay thế những diện tích rừng bị gió bão làm hư hỏng. Địa phương cũng sẽ không đồng tình hay cấp phép đối với những dự án, công trình nào ảnh hưởng vào diện tích của rừng phi lao" , ông Lân nói.
H.P