(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn một năm hạ lãi suất huy động chạm đáy, từ tháng 3/2022 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0,2 - 0,7%/năm, tùy theo kỳ hạn.
[links()]
Huy động tiền gửi tăng
Theo số liệu thống kê, tổng nguồn vốn huy động 5 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 69,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm ước đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng, chiếm 62% tổng nguồn vốn huy động, tăng 3,4% so với cuối năm 2021. Tiền gửi thanh toán ước đạt gần 26 nghìn tỷ đồng, chiếm 37% tổng nguồn vốn huy động, tăng 4,6% so với cuối năm 2021. Tiền gửi khác (phát hành giấy tờ có giá) ước đạt hơn 800 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng nguồn vốn huy động.
Khách hàng đến giao dịch tại Phòng Giao dịch Vietcombank Bình Sơn. |
Tương tự, VPBank cũng tăng thêm 0,3% lãi suất đối với các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này lên 6,4%/năm. Trong trường hợp người gửi tiền trên 300 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được tăng thêm từ 0,3 - 0,5% lãi suất đối với gửi tại quầy.
Trong khi đó, từ ngày 1/6, BIDV đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) lên mức 5,6%/năm. Dù điều chỉnh tăng, nhưng lãi suất của BIDV vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, cùng với Vietcombank, VietinBank. Còn Agribank có lãi suất tiền gửi thấp hơn, ở mức 5,5%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế- tài chính, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động tiết kiệm một phần cũng bởi áp lực lạm phát; đồng thời do lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn của nhiều ngân hàng trước đây ở mức khá thấp.
Đón dòng tiền nhàn rỗi
Từ đầu năm 2022 đến nay, khi thị trường chứng khoán và bất động sản liên tục biến động mạnh, các ngân hàng siết nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực này, khiến cho nhu cầu “đầu cơ” sụt giảm. Do đó, nhiều người có xu hướng chuyển dòng tiền nhàn rỗi về các ngân hàng, thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán hay bất động sản.
Chị L.T.T.N, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho hay, hơn 2 năm trước, nhận thấy lãi suất huy động gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn, nên tôi đã dùng số tiền tích lũy nhiều năm để mua 1 lô đất ở TX.Đức Phổ. Bây giờ, tôi muốn bán lô đất này để thu hồi vốn, nhưng ra giá cao hơn thì không ai mua, còn bán thấp lại không được. "Tôi nhận thấy đầu tư bất động sản thời điểm này khá rủi ro. Vì vậy, tôi dùng tiền tiết kiệm được gửi ngân hàng", chị N chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hồ Bân, những tháng đầu năm 2022, huy động tiền gửi của các ngân hàng tăng so với cuối năm 2021 và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với những năm chưa xảy ra dịch Covid-19, hoạt động huy động tiền gửi có phần tăng trưởng chậm hơn. Nguyên nhân là do sau dịch, nguồn vốn nhàn rỗi tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đa số tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm từ người dân. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động vẫn bảo đảm các chi nhánh tổ chức tín dụng cân đối cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh:
AN NHIÊN