(Báo Quảng Ngãi)- Trong Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh việc tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tạo sinh kế bền vững cho ngư dân và cộng đồng dân cư.
[links()]
Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản
Những năm gần đây, ngành thủy sản đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, tình trạng vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn xảy ra. Để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủy sản, về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Thả tái tạo con giống thủy sản tại bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn). |
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, hằng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí từ ngân sách để thực hiện công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay với chính quyền khai thác hợp lý, gắn với việc phát triển nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt, đồng thời làm cho nguồn lợi thủy sản sinh sôi và phát triển, nhằm tạo sinh kế, đảm bảo thu nhập cho người dân vùng ven biển.
Tháng 4/2022, Sở NN&PTNT đã tổ chức thả tái tạo trên 1 triệu con giống thủy sản các loại. Trong đó, thả 1 triệu con tôm sú, 12 nghìn con cua xanh, 10 nghìn con cá đối xuống đầm Nước Mặn, xã Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) và bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn)... với tổng kinh phí 520 triệu đồng.
Phát triển du lịch sinh thái
Bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận, rừng dừa nước Cà Ninh ở xã Bình Phước (Bình Sơn) là những địa điểm đang được khai thác phát triển du lịch sinh thái. Ở gần biển nên bàu Cá Cái được quy hoạch thành rừng phòng hộ, có nhiệm vụ chắn sóng và cải thiện môi trường sinh thái. Ông Phùng Pha, một ngư dân từng sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở bàu Cá Cái cho rằng, nếu khai thác theo kiểu tận diệt, nguồn thủy sản ở đây sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Bảo vệ tôm, cá vào mùa sinh sản, không đánh bắt con còn nhỏ, để đến khi trưởng thành mới đánh bắt sẽ giúp tăng thu nhập. Ngoài ra, người dân còn có thêm thu nhập từ dịch vụ du lịch. Nghĩ thế, ông Pha và nhiều người dân trong vùng thường xuyên nhắc nhở những người giăng lưới, khai thác thủy sản trên khu vực bàu Cá Cái nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Nguyễn Thanh Hiếu chia sẻ, chính quyền địa phương đang định hướng quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng tại bàu Cá Cái, nhằm phát huy tiềm năng của bàu Cá Cái với nguồn thủy sản dồi dào, đa dạng sinh học, quang cảnh đẹp. Bước đầu, người dân đã hình thành ý thức trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh khai thác bừa bãi. Từ đó, từng bước phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài việc định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua các hoạt động tái tạo giống thủy sản có giá trị kinh tế, thủy sản bản địa, đặc hữu... còn nhấn mạnh việc tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường sống của các loại thủy sản, các rạn san hô ở khu vực Gành Yến, xã Bình Hải (Bình Sơn); Châu Me, xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ)... Qua đó, gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tạo sinh kế bền vững cho ngư dân và cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh:
V.YẾN