Tạo cơ hội để Quảng Ngãi phát triển toàn diện

02:04, 12/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang khẩn trương triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh nội dung này.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên.  Ảnh: P.D
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên. Ảnh: P.D
Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, việc xây dựng quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi lần này là sứ mệnh và là cơ hội để Quảng Ngãi và các ngành, địa phương trong tỉnh thay đổi tư duy về phát triển toàn diện để có bước đi phù hợp trong thời gian đến.
 
*PV: Ông đánh giá như thế nào về báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050?
 
*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Qua tham gia chủ trì Hội thảo quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi tôi nhận thấy, lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng và có tinh thần cầu thị vì tương lai tốt đẹp của Quảng Ngãi và sự đóng góp của tỉnh cho sự phát triển chung của đất nước. Quảng Ngãi cần lưu ý xây dựng quy hoạch này không chỉ là nhiệm vụ tỉnh phải làm, mà là sứ mệnh hiếm có để tỉnh tập trung cơ hội cho sự phát triển của Quảng Ngãi trong thời gian tới.
 
Báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đánh giá thực trạng của Quảng Ngãi khá toàn diện và khách quan. Các chuyên gia tham gia ý kiến tại hội thảo đã mổ xẻ ra nhiều vấn đề rất chất lượng. Các ý kiến suy xét ở tầm chiến lược và chỉ ra những vấn đề Quảng Ngãi làm có thể đã tốt, có thể chưa hoàn hảo; hoặc có tốt rồi thì cũng không chắc rằng những điều ấy tiếp tục tốt trong tương lai. Cách tiếp cận như thế giúp cho việc nhìn nhận những gì Quảng Ngãi đạt được thực chất hơn rất nhiều và những bài học này rất có ý nghĩa. Bởi vì, quy hoạch là giúp cho tỉnh định hình cái chân dung tương lai, trên nền tảng thực tại. Đáng lẽ Quảng Ngãi phải bứt phá lên nhiều rồi, nhưng hiện tại vẫn còn chậm, qua hội thảo giúp cho tỉnh nhận diện được chính bản thân mình. Không chỉ nhận diện thực trạng, mà còn biết được thực lực của tỉnh hiện nay như thế nào, cách phát triển thời gian qua ổn chỗ nào, chưa ổn ở đâu...
 
*PV: Vậy định hình phát triển của Quảng Ngãi trong tương lai  như thế nào, thưa ông?
 
*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Về tương lai, trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch đã mạnh dạn đưa ra các ý tưởng, có cân nhắc, thận trọng và có sự lãng mạn. Đặc biệt là đã bung hết cái tầm nhìn, cả cái sắc thái lãng mạn trong sự phát triển của các vùng, các địa phương của Quảng Ngãi. Tôi cho rằng đó là cực kỳ tốt.
 
Trên nền tảng hiện tại, Quảng Ngãi cần đưa ra một slogan (khẩu hiệu) hội tụ tất cả triết lý cho sự phát triển của tỉnh. Quảng Ngãi không phải là Quảng Nam, Bình Định hay bất cứ tỉnh nào khác, thì cái triết lý cho Quảng Ngãi là cái gì cần phải tính kỹ, gắn với lịch sử, văn hóa và những nét đặc trưng riêng của tỉnh. Chẳng hạn, Quảng Ngãi có đảo Lý Sơn là đặc trưng riêng mà không ở đâu có được, thế thì triết lý cho Quảng Ngãi là cái gì, và với cái triết lý ấy thì khát vọng cho Quảng Ngãi là cái gì cần phải được tính tới. Bên cạnh đó, cần bổ sung về quan điểm phát triển của tỉnh. Bởi vì, trong quá trình phát triển, nếu cứ theo quan điểm chung chung, truyền thống thì khó thực hiện; tính hiệu quả và tính thực tiễn thấp. Chẳng hạn, nên bổ sung quan điểm về liên kết vùng, vì Quảng Ngãi phải đặt trong cái thế vùng mà phát triển, mới hội tụ được sức mạnh của vùng; hoặc bổ sung yêu cầu về tính đột phá để vươn lên...
 
Đối với mục tiêu phát triển của tỉnh, Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu phát triển với khát vọng khá cao. Nhưng như thế là đủ chưa, bởi nó đặt ra nhiều khía cạnh, nhiều cấp độ, nên cần được “mổ xẻ” ra một cách thực tiễn hơn, mang tính khả thi và không nên quá cứng nhắc đi vào những mục tiêu mang tính thành tích.
 
*PV: Ông có thể dẫn chứng rõ hơn về quan điểm, mục tiêu phát triển của tỉnh?
 
*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Ví dụ như quan điểm, mục tiêu phát triển giữa công nghiệp và đô thị của Quảng Ngãi, thực tế phát triển hai lĩnh vực này đang có rất nhiều vấn đề. Công nghiệp có thể tăng trưởng tốt nhưng đến cái điểm của nó thì chững lại, và nếu không có chiến lược phát triển đô thị thì lợi ích phát triển của tỉnh không được bao nhiêu. Như tại KKT Dung Quất, có thời gian phát triển bùng lên rất dữ dội, nhưng đô thị ở đây thì chẳng có gì cả, thậm chí cả tuyến hành lang phát triển đô thị ở đây chưa có gì nổi bật. Hoặc như TP.Quảng Ngãi, đến bây giờ chúng ta thấy quá chậm để thay đổi chân dung. Nếu công nghiệp phát triển mạnh mẽ mà tỷ lệ đô thị hóa còn quá thấp, thì sự lan tỏa phát triển không được bao nhiêu và giá trị hiện đại hóa của tỉnh rất thấp.
 
Đối với lĩnh vực du lịch cũng vậy, trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, du lịch của Quảng Ngãi thuộc diện tụt hậu nhất, kém phát triển nhất và điều này được tỉnh thẳng thắn thừa nhận, với một tinh thần không tự ái. Bài toán khó nhất là làm thế nào để vực dậy du lịch? Hiện nay, trong quy hoạch tỉnh đã có những đề xuất khá tích cực. Nhất là đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn kết hữu cơ với sự phát triển của các ngành kinh tế khác và hướng đến xây dựng thương hiệu riêng biệt và mang tính độc đáo cho các sản phẩm, dịch vụ toàn tỉnh. Với cách đặt vấn đề như thế, sẽ định hình bản sắc phát triển du lịch của tỉnh, định hình giá trị của Quảng Ngãi trong phát triển vùng và cạnh tranh quốc tế.
 
Ngành công nghiệp Quảng Ngãi đang phát triển mạnh mẽ tại KKT Dung Quất.  Trong ảnh: Cảng chuyên dụng của Doosan Vina.              Ảnh: P.D
Ngành công nghiệp Quảng Ngãi đang phát triển mạnh mẽ tại KKT Dung Quất. Trong ảnh: Cảng chuyên dụng của Doosan Vina. Ảnh: P.D
Còn về nông nghiệp, hành lang nông nghiệp của tỉnh, nhất là vùng phía tây hiện nay chưa được định vị tốt. Bởi vì, từ xưa tới nay việc trồng cây gì, nuôi con gì nó vẫn như thế. Tính khép kín của nông nghiệp tương đối cao. Vậy thì bây giờ phải có tầm nhìn mới, mở ra cơ hội phát triển cho nông nghiệp, gắn với du lịch và phát triển đô thị...
 
*PV: Ông đánh giá như thế nào về lực lượng doanh nghiệp (DN) của Quảng Ngãi hiện nay?
 
*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận về DN của Quảng Ngãi thời gian qua có thể nói là cũ rồi. Tôi cho rằng, cách phát triển DN của tỉnh cần phải xem lại một cách căn bản, bởi vì lực lượng DN của Quảng Ngãi, theo số liệu thống kê hiện chỉ chiếm 0,55% tổng số DN hiện có của cả nước. Doanh nghiệp của Quảng Ngãi không chỉ ít mà còn rất yếu. Ngoài những DN đầu đàn như Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina... thì còn lại khá yếu. Tính liên kết, tính phối hợp để tạo thành một lực lượng sức mạnh cũng còn yếu. Liên quan đến vấn đề này, các chỉ số như PCI, PAPI... của Quảng Ngãi cũng khá thấp. Qua đó cho thấy, cách tiếp cận DN, cũng như lực lượng phát triển nói chung của tỉnh là yếu.
 
Thực trạng phát triển DN của Quảng Ngãi cho thấy, tỉnh chưa tận dụng hết năng lực phát triển của các lực lượng của tỉnh. Nếu sắp tới vẫn chỉ dựa vào các DN lớn thì không đủ để xoay chuyển tình thế của tỉnh. Bởi vì, có những rủi ro và tình thế phát triển xảy ra, nếu lệ thuộc quá nhiều vào một số DN lớn.
 
Ngoài ra, cần nhấn mạnh thêm về sự liên kết phát triển của Quảng Ngãi trong báo cáo quy hoạch, bởi tính biệt lập trong phát triển của tỉnh khá cao. Thực lực của tỉnh chưa mạnh, hiện còn nhiều khó khăn, nếu chúng ta không có chủ trương “đánh” đồng sức, “đánh” liên kết, lấy lợi thế của các địa phương bên cạnh thành lợi thế của mình thì Quảng Ngãi sẽ khó khăn trong phát triển. Vậy nên, tỉnh cần có một chiến lược liên kết và ưu tiên mời gọi đầu tư để giúp tỉnh bứt phá, phát triển mạnh mẽ trong thời gian đến.
 
*PV: Xin cảm ơn ông!
 
Hướng đến phát triển bền vững 
 
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một công cụ quản lý, nhưng đồng thời cũng là công cụ để thu hút đầu tư, liên kết vùng và là công cụ quảng bá thương hiệu của tỉnh. Nguyên tắc lập quy hoạch là phát triển bền vững, cân bằng trên 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường. Kế thừa, liên tục, ổn định các giải pháp quy hoạch, đầu tư và phát triển của tỉnh, phát huy tối đa nguồn lực của trung ương, của địa phương và huy động từ doanh nghiệp.
 
PHẠM DANH 
(thực hiện)
 
 

.