Hướng đến nghề cá có trách nhiệm

02:04, 12/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản, có một số điểm mới, nhằm cụ thể hóa Luật Thủy sản 2017 và phù hợp với các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 4/3/2022. 
[links()]
 
Quy định chặt chẽ
 
Trước đây, theo quy định tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên sẽ nộp Sổ ghi nhật ký khai thác thủy sản (KTTS) trong vòng 24 giờ, sau khi cập cảng và bán sản phẩm. Từ ngày 4/3/2022, khi Thông tư 01 có hiệu lực thì đối với tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải xuất trình Sổ ghi nhật ký KTTS cho lực lượng chức năng trước khi cập cảng và xuất bán sản phẩm. Quy định này nhằm chấn chỉnh tình trạng ngư dân ỷ lại, thậm chí không chấp hành nghiêm túc việc nộp Sổ ghi nhật ký KTTS. 
 
Siết chặt việc thực hiện các quy định theo Thông tư 01 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động tàu cá. Trong ảnh: Cán bộ Tổng cục Thủy sản (bên trái) kiểm tra việc thực hiện các thủ tục xuất nhập cảng tại Cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).
Siết chặt việc thực hiện các quy định theo Thông tư 01 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động tàu cá. Trong ảnh: Cán bộ Tổng cục Thủy sản (bên trái) kiểm tra việc thực hiện các thủ tục xuất nhập cảng tại Cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).
Không chỉ thay đổi thời gian xuất trình Sổ ghi nhật ký KTTS đối với tàu cá từ 12m trở lên, Thông tư 01 cũng bổ sung hành vi “tàu cá không duy trì tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động trên biển từ 6 giờ trở lên, nhưng không báo cáo vị trí theo quy định và các tàu cá KTTS ở vùng biển nước ngoài” vào nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định KTTS bất hợp pháp. Những tàu cá này khi cập cảng, Ban Quản lý (BQL) các cảng cá không thực hiện các thủ tục bốc dỡ hải sản mà thông báo cho Văn phòng Kiểm soát nghề cá kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. 
 
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng “bán hải sản một nơi, làm thủ tục một nẻo”, Thông tư 01 cũng quy định: Với những tàu cá không vi phạm trong quá trình khai thác, nhưng khi cập cảng mà sản lượng hải sản bốc dỡ sai lệch hơn 20% so với sản lượng khai báo, thì BQL Các cảng cá tỉnh lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền. Giám đốc BQL Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết, những quy định mới này đã được BQL Các cảng cá tỉnh, Văn phòng Kiểm soát nghề cá tại các cảng cá phổ biến, hướng dẫn cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân từ đầu năm 2022. Nhưng vì chưa nắm bắt đầy đủ, nên vẫn có một số trường hợp vi phạm. Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục giải thích, hướng dẫn cho ngư dân, để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 
“Việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của tàu cá theo Thông tư 01 nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý, góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” thủy sản, cũng như hướng ngư dân khai thác thủy sản có trách nhiệm, chứ không có chuyện ngành thủy sản tỉnh làm khó ngư dân".
Chi cục trưởng  Chi cục Thủy sản tỉnh NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh bất cập
 
Thông tư 01 sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới và quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có giải pháp quản lý và xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá hành nghề lưới kéo (giã cào) hoạt động sai ngư trường, tuyến lộng mà vẫn được cập cảng và bốc dỡ hải sản. Nguyên nhân là nhiều tàu cá hành nghề lưới kéo có chiều dài dưới 15m, trong khi việc lắp thiết bị giám sát hành trình chỉ bắt buộc đối với tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Vì không có thiết bị giám sát hành trình, lực lượng chức năng không thể giám sát hoạt động của tàu cá trên biển nên cũng không có cơ sở để xác định vi phạm.
 
Vì vậy, Sở NN&PTNT kiến nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng các điểm mới của Thông tư 01. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, BQL Các cảng cá tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử phạt nghiêm đối với những tàu cá vi phạm trong quá trình hoạt động trên biển, nhất là các tàu hoạt động sai ngư trường.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 
 

.