Nông dân lại ồ ạt trồng dưa hấu

03:03, 10/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dưa hấu là một trong số các mặt hàng nông sản thường xuyên bị ách tắc khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Mặc dù việc tiêu thụ dưa hấu khá bấp bênh, nhưng mùa này, nông dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục trồng dưa hấu với diện tích hàng trăm héc ta. 
[links()]
 
Nông dân vẫn kỳ vọng vào dưa hấu
 
Dọc theo các triền sông, bãi bồi, nông dân trong tỉnh đang bước vào chăm sóc, sản xuất vụ dưa đầu năm 2022. Năm nào cũng vậy, vùng bãi bồi sông Trà Khúc luôn là nơi hàng chục nông dân đến dựng lều, thuê máy đào, đánh luống trồng dưa hấu. Nông dân trồng dưa hầu hết là người dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh.
 
Nông dân thuê đất, trồng dưa hấu trên bãi bồi sông Trà Khúc, đoạn qua TP.Quảng Ngãi.
Nông dân thuê đất, trồng dưa hấu trên bãi bồi sông Trà Khúc, đoạn qua TP.Quảng Ngãi.
Anh Nguyễn Thanh Lai, quê ở xã Bình Chương (Bình Sơn) cho biết, năm nay gia đình tôi thuê 35 sào đất ở bãi bồi sông Trà Khúc để trồng dưa, hiện đã xuống giống được hơn một tháng, khoảng cuối tháng 2 âm lịch sẽ thu hoạch. "Chi phí mà tôi đầu tư cho vụ dưa hấu này khoảng 220 triệu đồng. Vừa qua, nghe thông tin Trung Quốc đóng cửa khẩu, chúng tôi rất lo lắng, nhưng giờ biết làm sao, tới đâu hay tới đó thôi", anh Lai nói.
 
Ngoài bãi bồi sông Trà Khúc, nông dân ở huyện Bình Sơn còn lên các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) để thuê đất trồng dưa. Thời điểm này, nhiều diện tích trồng sớm đã cho trái non. Ông Nguyễn Liên, quê ở xã Bình Chương (Bình Sơn) chia sẻ, gia đình tôi gắn bó với nghề trồng dưa đã trên 20 năm. Tôi đã từng nhiều lần thất bại, nợ nần, nhưng cũng có nhiều vụ trúng đậm. Vậy nên, tôi vẫn trồng dưa và hy vọng mùa màng bội thu.
 
Những ngày qua, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường khiến hàng chục héc  ta dưa hấu đang trong giai đoạn phát triển mạnh của người dân ở các bãi bồi ven sông bị tốc, gãy lá. Vì vậy, người dân đang tập trung ghim chèo, neo giữ cho cây dưa không bị hư hại. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, không dưới 100 hộ nông dân của huyện đi thuê đất ở Tây Nguyên và một số nơi khác trong tỉnh để trồng dưa hấu. Trên địa bàn huyện chỉ có vùng trồng dưa hấu ở xã Bình Thanh là có mã số vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc.
 
Theo thống kê của các địa phương trong tỉnh, tổng diện tích trồng dưa hấu trong năm 2022 gần 800ha. Từ cuối tháng 2 âm lịch trở đi, người trồng bắt đầu thu hoạch dưa. Với năng suất bình quân 255 - 260tạ/ha, tổng sản lượng ước tính hơn 200 nghìn tấn. Đó là chưa kể số người trồng dưa Quảng Ngãi lên Tây Nguyên thuê đất trồng dưa hấu, với số lượng hàng trăm héc ta mỗi năm.
 
Đừng để câu chuyện “giải cứu” lặp lại
 
Dịch Covid-19 kéo dài khiến cho việc xuất khẩu nông sản của nước ta đi thị trường nước ngoài, nhất là Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn. Ngay trong những ngày đầu năm 2022, hàng nghìn tấn nông sản của Việt Nam, trong đó có dưa hấu đã ứ đọng, hư hại phải vứt bỏ. Nhiều chuyến xe phải chở ngược trở về, bán ở dọc đường để vớt vát chi phí.
 
Bài học sau những lần dưa hấu "bí" đầu ra vẫn chưa có lời giải. Thực tế, đã từng có nhiều nông dân trúng đậm dưa hấu từ hàng trăm triệu đồng đến tiền tỷ mỗi vụ. Song cũng có cảnh, dưa hấu ùn ứ, không bán được, các cấp chính quyền, các ngành chức năng và hội đoàn thể địa phương lại vào cuộc “giải cứu”.
 
Không chỉ người dân Quảng Ngãi mà nông dân ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định... cũng trồng dưa hấu rất nhiều. Tuy nhiên, đây vẫn là cây trồng tự phát, đầu ra lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Theo nhận định của ngành chức năng, sau những ách tắc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, mặt hàng dưa hấu càng trở nên bấp bênh. Vì thế, nông dân cần chuyển đổi diện tích trồng dưa hấu sang loại rau màu khác có thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.