Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất khi F0 gia tăng

10:03, 08/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị các phương án ứng phó với dịch Covid-19, nhưng số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh, khiến việc duy trì sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN phải xoay xở để vừa hỗ trợ công nhân điều trị, vừa tìm nguồn lực thay thế nhằm duy trì chuỗi sản xuất.
[links()]
 
Đại diện Công ty TNHH Properwell (KCN VSIP Quảng Ngãi) thông tin, kể từ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần, có thời điểm một vài dây chuyền có đến 70% công nhân là F0. Ban đầu, công ty cũng lúng túng nhưng sau đó dần thích ứng. Nếu là F0, công nhân được cho nghỉ việc từ 14 - 21 ngày và điều trị tại nhà. Sau khi xét nghiệm âm tính sẽ trở lại làm việc ngay. Những công nhân đủ điều kiện làm việc tại phân xưởng, công ty động viên tăng ca để bù đắp thiếu hụt nhân công, đảm bảo đơn hàng giao cho đối tác đúng thời hạn.
 
Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất trong ca sản xuất.
Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất trong ca sản xuất.
May mặc là một trong những ngành chịu tác động lớn khi số công nhân bị F0 gia tăng. Giám đốc Công ty CP may Vinatex Dung Quất Nguyễn Thanh An cho biết, các dây chuyền liên tục xuất hiện công nhân bị F0, có ngày lên đến vài chục ca. Trong khi, may trang phục lại theo dây chuyền, có khi một sản phẩm áo ấm cần đến 50 công đoạn, với 50 công nhân cùng hợp tác với nhau để hoàn thành. Khi vắng một vài vị trí, thì công nhân khác khó lòng thay thế. "Lãnh đạo công ty đã chủ động đàm phán lại với đối tác, để họ chia sẻ với những khó khăn này. Vì đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, nên đối tác cũng dễ thông cảm hơn. May mắn là, chúng tôi chưa bị đối tác hủy đơn hàng vì giao hàng chậm trễ", ông An nói.
 
Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (VinaSoy), thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết, dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của VinaSoy. Trước tình hình đó, nhà máy đã triển khai các giải pháp thích ứng, kịp thời thay thế số công nhân là F0. "Chúng tôi ứng dụng công nghệ để làm việc từ xa, kể cả là trường hợp F0, F1 đang cách ly, điều trị cũng có thể làm việc trực tuyến. Những công nhân trực tiếp làm việc trên dây chuyền khi đã khỏi Covid -19, thì trở lại nhà máy làm việc bình thường. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất của nhà máy vẫn được duy trì", ông Tụ chia sẻ.
 
Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) nỗ lực vượt mọi khó khăn để duy trì sản xuất.
Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) nỗ lực vượt mọi khó khăn để duy trì sản xuất.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh mía đường của Công ty CP Đường Quảng Ngãi liên tục thiếu nhân công làm việc, nên phải tăng cường tuyển dụng lao động. Không chỉ lao động là người Quảng Ngãi, mà công ty còn thu hút được nhân công từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định. Việc đảm bảo lao động sẽ giúp công ty thực hiện tốt mục tiêu tăng 20% sản lượng mía cây so với niên vụ trước. Được biết, Công ty CP Đường Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.500 lao động, trong đó lao động thời vụ từ 1.000 - 1.200 người.
 
Mặc dù số công nhân bị F0 gia tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song hầu hết các DN đều đảm bảo các khoản thu nhập cơ bản cho công nhân, để giảm bớt khó khăn cho họ. Một số tổ chức công đoàn trong DN còn sử dụng nguồn quỹ để hỗ trợ cho công nhân là F0, giúp họ có điều kiện chăm sóc sức khỏe, sớm trở lại với công việc. Đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh đã yêu cầu các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Từ đó, bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội...
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 

.