(Báo Quảng Ngãi)- Sản phẩm được công nhận đạt chuẩn VietGAP là những sản phẩm chất lượng, giúp nâng cao giá trị kinh tế. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là phí chứng nhận, phí thường niên VietGAP cao so với thu nhập của người nông dân.
[links()]
Tháng 6/2020, rau cải ngọt của Hợp tác xã (HTX) rau truyền thống An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giám đốc HTX rau truyền thống An Mô Lê Văn Tuyến cho biết, sau khi thực hiện các thủ tục đánh giá, chi phí chứng nhận sản phẩm rau cải ngọt đạt chuẩn VietGap là 30 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn chi phí này. Thế nhưng, khi HTX mang rau cải ngọt đi chào hàng tại các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể... thì không bán được. Nguyên nhân là do những nơi này đã có nguồn cung ổn định, một phần do HTX chỉ có một loại rau cải ngọt đạt chuẩn.
Phí chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cao, khiến nhiều nông dân e ngại khi tiếp cận. Trong ảnh: Thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi gà ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. |
Theo quy định, HTX chỉ được hỗ trợ phí chứng nhận VietGAP với một sản phẩm rau ban đầu. Sau này, nếu đăng ký chứng nhận VietGAP các sản phẩm rau khác, HTX tự chi trả. Bên cạnh phí chứng nhận ban đầu, còn có phí giám sát định kỳ mỗi năm (7 triệu đồng/lần), do HTX tự chi trả. Tính ra, với hiệu lực của giấy chứng nhận VietGAP trong vòng 3 năm, phải tốn đến 51 triệu đồng cho một sản phẩm rau. Thời gian qua, ngay cả với rau cải ngọt đã được cấp chứng nhận, HTX cũng không đủ khả năng để đóng phí thường niên.
Ông Nguyễn Hóa, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi gà ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), thì cho biết, trong thôn có nhiều hộ đầu tư nuôi gà với quy mô từ vài nghìn con trở lên. Nhiều người muốn sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, nhưng còn e ngại vì phí chứng nhận ban đầu quá cao. "Phí chứng nhận VietGAP là 40 triệu đồng/giấy chứng nhận, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50%. Tuy nhiên, với chi phí 20 triệu đồng còn lại vẫn còn cao. Giấy chứng nhận VietGAP chỉ có hiệu lực trong 3 năm, ngoài ra còn có phí định kỳ. Trong khi chăn nuôi theo quy trình VietGAP thì thời gian, chi phí sẽ đội lên, dẫn đến giá thành sản phẩm xuất bán phải cao hơn mới có lãi. Nếu giá bán cao, chúng tôi lại lo khó tiêu thụ sản phẩm", ông Hóa bày tỏ.
Hiện nay, giấy chứng nhận VietGAP do nhiều nơi chứng nhận với chi phí khác nhau. Tùy mỗi địa phương có những chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, trồng trọt để đạt chuẩn VietGAP. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở áp dụng các chương trình quản lý tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản như VietGAP, bước đầu tạo ra nền tảng sản xuất nông nghiệp tiên tiến, kiểm soát các công đoạn từ sản xuất đến thu hoạch. Tuy nhiên, với mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, phụ thuộc vào mùa vụ, đầu ra còn bấp bênh, nhất là phí chứng nhận và phí định kỳ hằng năm còn quá cao, khiến nhiều người dè dặt với việc đăng ký chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.
Bài, ảnh:
BẢO HÒA