(Báo Quảng Ngãi)- Dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tiêu thụ mạnh, nhiều mặt hàng không đủ cung ứng cho thị trường. Đây là tín hiệu vui, giúp các sản phẩm OCOP vươn xa, đồng thời thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển trong thời gian đến.
[links()]
Sản phẩm OCOP được ưa chuộng
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) Lê Giang Phong cho biết, sức mua trong dịp Tết tăng mạnh, đơn hàng tăng gấp chục lần so với bình thường. Mặc dù HTX đã chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng thời gian cao điểm vẫn "cháy hàng", buộc phải từ chối một số đơn hàng. Ngoài việc cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng, đại lý, HTX đã tung ra thị trường nhiều combo giỏ quà tặng Tết có giá từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Sản phẩm được chế biến từ nấm linh chi, nấm bào ngư được khách hàng lựa chọn đưa vào giỏ quà tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Mỹ Hoa |
Sản phẩm OCOP đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nên được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. “Có tem OCOP là tôi yên tâm sử dụng. Không chỉ có nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu sản xuất rõ ràng, mà chất lượng sản phẩm OCOP rất tốt”, chị Trần Thị Thanh Nhàn, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), chia sẻ. Trong dịp Tết, ngoài sử dụng trong gia đình, chị Nhàn còn đặt hàng gần 300 giỏ quà biếu đối tác, khách hàng trong và ngoài tỉnh, đó là các sản phẩm nấm linh chi xắt lát, trà túi lọc linh chi, khô bò Thu Ba, rượu trái cây Quang Hải...
Không chỉ chị Nhàn, mà dịp tết Nguyên đán vừa qua, nhiều khách hàng cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đã tin tưởng lựa chọn các sản phẩm OCOP để sử dụng và làm quà tặng. Đây được xem là “quả ngọt” của Chương trình OCOP sau 3 năm triển khai thực hiện. Nhiều người tiêu dùng đã tin tưởng và xem nhãn OCOP trên sản phẩm như một lời cam kết cho chất lượng hàng nông sản, thực phẩm, thảo dược của tỉnh... Để kích cầu thị trường, bên cạnh tư vấn và hỗ trợ khách hàng lựa chọn sản phẩm, nhiều cơ sở đã chủ động đáp ứng đơn hàng số lượng lớn, bán hàng online, có dịch vụ giao hàng tận nơi.
Tiếp tục đầu tư, quảng bá
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 được xem là cột mốc đáng nhớ đối với các chủ thể OCOP khi đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, tiêu thụ và kết nối thương mại hóa sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 61 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, đều được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã QR... Các sản phẩm OCOP đều tăng 30 - 40% doanh số so với trước. Một số sản phẩm như trái cây Nghĩa Hành (bưởi da xanh, chôm chôm, chuối ngự...), nấm linh chi, nấm bào ngư, quế và các sản phẩm được chế biến từ vỏ quế không đủ hàng để cung ứng cho thị trường. Điều này cho thấy dư địa phát triển của thị trường nội địa còn rất lớn, nếu các chủ thể OCOP biết cách khai thác.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được nhiều người tiêu dùng sử dụng. Ảnh: Mỹ Hoa |
Hiện nay, sản phẩm OCOP đã dần trở thành thói quen tiêu dùng hằng ngày của nhiều người dân. Tuy nhiên, để Chương trình OCOP tiếp tục lan tỏa và phát triển thì cần cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm đủ mạnh, giúp các chủ thể ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ để chế biến, chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm OCOP.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, cùng với tư vấn, hỗ trợ các địa phương lựa chọn, đầu tư phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, ngành nông nghiệp sẽ đánh giá cụ thể tình hình tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Qua đó, phối hợp với các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch tiếp thị, quảng bá, giới thiệu cụ thể các sản phẩm OCOP đến các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là trên các kênh thương mại điện tử, nhằm góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị, cũng như thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và các nông sản chủ lực của địa phương.
MỸ HOA