(Báo Quảng Ngãi)- Ngành sinh vật cảnh (SVC) không chỉ là thú chơi tao nhã, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cảnh quan đẹp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương...
[links()]
Thỏa đam mê, nâng cao thu nhập
Cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn từng dáng cây cảnh, anh Nguyễn Duy Khánh ở thôn Điền Hoà, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cho biết, lúc đầu tôi quan tâm chăm chút cây mai vàng để thoả đam mê. Sau đó, tôi nhận ra đây là một nghề có thể phát triển kinh tế, ổn định thu nhập. Tôi bắt đầu tìm hiểu để kinh doanh các loại cây khác như tùng, nguyệt quế, hải châu, la hán, mai chiếu thuỷ... Làm sinh vật cảnh không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.
Theo anh Khánh, để cây cảnh có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao, thì người trồng, sửa cây cảnh phải có niềm say mê và sự khéo léo. Vì thế, ngoài việc dày công sưu tập, tìm kiếm các loại phôi từ nhiều nhà vườn trong và ngoài tỉnh, anh Khánh đã dành nhiều thời gian, công sức để thể hiện ý tưởng của mình trong từng tác phẩm. Có không ít cây cảnh khi mua về giá chỉ vài trăm nghìn đồng, sau khi qua bàn tay tài hoa của anh đã nâng giá trị kinh tế lên gấp nhiều lần. Nhiều cây độc, lạ có giá trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có cây lên đến tiền tỷ.
Kinh tế sinh vật cảnh đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Nguyễn Duy Khánh. Ảnh: TRUNG ÂN |
Ngoài nhà vườn của anh Khánh, thì nhà vườn của ông Trần Ngọc Phương ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) và ông Phan Bình ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành) được Hội SVC Việt Nam công nhận nhà vườn SVC tiêu biểu. Chủ tịch Hội SVC tỉnh Trần Bảo Phát cho biết, những nhà vườn được trao "Bằng công nhận tiêu biểu" đã có hàng chục năm miệt mài, say mê sáng tạo, nâng cao tay nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm gắn với thị trường để khẳng định vai trò, vị thế của SVC trong nền kinh tế địa phương.
Phát triển ngành kinh tế sinh thái
Xây dựng và phát triển SVC thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và lao động nông thôn. Phát triển tổ chức hội SVC gắn với xã hội hóa hoạt động kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái... Đó là những mục tiêu mà Hội SVC tỉnh đang hướng tới. Hội SVC tỉnh đã chủ động đề xuất Sở KH&CN và UBND TP.Quảng Ngãi khảo sát quy hoạch vùng chuyên canh hoa của thành phố. Các cấp hội SVC trong tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối, tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh giữa các hội viên để nâng cao giá trị sản xuất SVC; tổ chức cho hội viên tham gia triển lãm SVC các tỉnh...
Năm 2021, Hội SVC tỉnh đã đưa các tác phẩm SVC dự hội thi SVC các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Hội SVC tỉnh Quảng Ngãi đoạt nhiều giải cao và được Hội SVC Việt Nam đánh giá xuất sắc. Bên cạnh đó, Hội SVC tỉnh đã phát động phong trào hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và đã phối hợp với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh ra quân trồng 200 cây gỗ quý các loại tại đầu nguồn hồ Hố Sổ, xã Hành Đức (Nghĩa Hành).
“Thời gian tới, Hội SVC tỉnh tiếp tục củng cố về tổ chức hội, đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh; tích cực tham gia tư vấn, phản biện do Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tổ chức; khuyến khích hội viên chuyển đổi các mô hình sản xuất, phục vụ đa dạng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa... góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân”, ông Trần Bảo Phát cho hay.
TRUNG ÂN
Nhộn nhịp làng cây cảnh Xuân Vinh
Một tháng trước, làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) hối hả chăm sóc, làm đẹp cho cây để phục vụ dịp Tết, thì giờ đây lại nhộn nhịp đón nhận cây cảnh do người chơi gửi lại để nhờ chăm sóc, vun vén sự tươi xanh cho Tết năm sau.
Trong vài năm gần đây, nghề trồng cây cảnh phát triển mạnh ở huyện Nghĩa Hành, trong đó làng cây cảnh Xuân Vinh là một trong những "vựa" cây cảnh nổi tiếng. Toàn thôn Xuân Vinh hiện có khoảng 120 hộ dân làm nghề trồng cây cảnh. Ông Nguyễn Văn Tý, làm nghề trồng cây cảnh lâu năm tại làng cây cảnh Xuân Vinh chia sẻ, ông bắt đầu trồng cây cảnh từ năm 1989 và nghề này giúp gia đình ông có thu nhập ổn định.
Sau Tết là thời điểm bận rộn của các nhà vườn cây cảnh, nhất là việc chăm sóc cây mai. Các chủ vườn cây cảnh phải cắt cành, cắt hoa, tạo tán lại theo ý muốn của người chơi. Ông Phan Bình, một người trồng cây cảnh giàu kinh nghiệm tại Xuân Vinh chia sẻ, chăm sóc cây cảnh không chỉ cần mỗi đam mê mà còn cần kiến thức, sự hiểu biết để có thể tạo nên cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Cây mai không thể thiếu trong ngày Tết, nó cần được chăm sóc thường xuyên trong năm. Nếu việc bón phân, tưới nước bị ngưng lại trong một thời gian sẽ khiến cho chất lượng của hoa mai vào dịp Tết kém đi.
Thôn Xuân Vinh được biết đến là làng nghề trồng mai lớn nhất ở Quảng Ngãi. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu cho biết, sắp tới huyện sẽ phát động phong trào trồng mai ở khu vực làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, để vận động các hộ dân nhân rộng, phát triển nghề; đồng thời tổ chức các đợt trưng bày các sản phẩm truyền thống của địa phương, trong đó có cây cảnh trồng ở làng nghề Xuân Vinh.
THÙY TRANG
|