(Báo Quảng Ngãi)- Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vai trò là “trụ đỡ" của nền kinh tế.
[links()]
Tăng trưởng ấn tượng
Trong năm, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh đạt trên 17,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3%. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 500 nghìn tấn, tăng 4,74%. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, với những con số ấn tượng là 150ha lúa, rau các loại và cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; 29 cánh đồng với diện tích 343ha ở huyện Mộ Đức có giá trị sau thu hoạch đạt gần 180 triệu đồng/ha/năm. Toàn tỉnh đã chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn trên 640ha; xây dựng 77 cánh đồng lớn, với diện tích trên 1.651ha lúa; thực hiện các mô hình luân canh, xen canh để tăng giá trị sau thu hoạch đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm...
|
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương kiểm tra vườn giống cây ăn quả của Công ty TNHH KH&CN Nông Tín. |
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là dịch tả heo Châu Phi, nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định, với trên 381,5 nghìn con heo, sản lượng thịt heo hơi đạt gần 84 nghìn tấn, tăng 3,73%; 70 nghìn con trâu, 285 nghìn con bò, tỷ lệ bò lai đạt 73,4%; đàn gia cầm hơn 5,1 triệu con...
"Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện và phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu".
Giám đốc Sở NN&PTNT
HỒ TRỌNG PHƯƠNG
|
Hoạt động chăn nuôi có sự chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang tập trung; bước đầu đã hình thành một số khu, trang trại chăn nuôi có quy mô lớn từ 1 - 6 nghìn con heo, 3 - 50 nghìn con gia cầm. Đồng thời, phát triển 83 trang trại chăn nuôi và 34 trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng cây lâm nghiệp. Trong đó, có 22 trang trại chăn nuôi liên kết giữa người dân và 4 doanh nghiệp (DN) lớn, đảm bảo thịt heo phục vụ cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vào dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Năm 2021 cũng là năm đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thủy sản mặc dù gặp không ít khó khăn. Sản lượng thủy sản đạt trên 275 nghìn tấn, trong đó thủy sản khai thác trên 264 nghìn tấn, thủy sản nuôi trồng đạt trên 11 nghìn tấn. Chính quyền và người dân ven biển có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và phương thức hành nghề, chuyển từ nghề cá nhân dân, quản lý bị động sang ứng dụng công nghệ gắn với khai thác chủ động, có trách nhiệm. Đây là cơ hội để các ngành chức năng triển khai thực hiện cơ chế quản lý nghề cá theo hướng thống nhất chung. Nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã chính thức có hiệu lực, tạo điều kiện để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng xuất sang thị trường các nước lớn.
Mở hướng phát triển bền vững
Những thành tựu và cơ hội nói trên tạo động lực để ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản Quảng Ngãi tiếp tục phấn đấu đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước, như định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
|
Xây dựng cánh đồng lúa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. ẢNH: TẤN PHÁT |
Riêng năm 2022, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 3,5 - 4%; sản lượng lương thực trên 500 nghìn tấn; tỷ lệ che phủ rừng 51,3%; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 97% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh... Thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ tích cực xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất mới, hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng để người dân có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung. Đồng thời, thu hút các nguồn lực, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi, nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản sản phẩm cho nông dân, ngư dân gắn với nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm... từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và thủy sản của người dân, doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT triển khai thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa; dự án nạo vét và đầu tư xây dựng kè, cảng cá Sa Huỳnh; dự án cảng cá Cổ Lũy... Qua đó, hoàn thiện và từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cảng cá, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân.
|
Các sản phẩm nông nghiệp của người dân Sơn Hà được bày bán tại siêu thị. ẢNH: Lam An |
“Dù trải qua một năm đầy khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Năm 2022, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nỗ lực, chủ động các giải pháp biến “nguy cơ thành thời cơ”, trong đó có việc tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, thực hiện phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
THANH PHƯỚC