(Báo Quảng Ngãi)- Dịch bệnh, thiên tai cùng với giá phân bón tăng cao, đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã (HTX) đã triển khai chương trình mua phân bón theo hình thức trả chậm; các ngân hàng dành gói vay ưu đãi...
Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương ra đồng để phát bờ, băm đất, chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2021 - 2022 (từ ngày 15/12). Tuy nhiên, hiện giá phân bón các loại đã tăng lên rất cao so với vụ trước, khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Chị Dương Thị Minh Hiếu, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) chia sẻ, mấy chục năm làm nông nghiệp, chưa bao giờ thấy giá phân bón các loại tăng cao như năm nay. Tôi vừa đi mua 1 bao phân Urê loại 50kg, với giá 980 nghìn đồng; còn phân DAP có giá gần 1,5 triệu đồng/bao. Không đành bỏ ruộng, chứ trồng lúa kiểu này thì lỗ nặng.
Người dân đến mua phân bón, giống tại HTX Nông nghiệp Bình Dương (Bình Sơn). |
Để hỗ trợ người nông dân mỗi khi đến mùa vụ, nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp Bình Dương đã triển khai chương trình bán phân bón theo hình thức trả chậm. Theo đó, trung bình mỗi vụ, HTX cung cấp khoảng 80 - 100 tấn phân bón cho hơn 930 hộ dân làm nông nghiệp trên địa bàn xã. Người dân mua phân bón có thể linh động trả nợ dần trong chu kỳ sản xuất, hoặc đợi đến khi thu hoạch mùa vụ trả hết một lần. “Tôi vừa mới đến HTX Nông nghiệp Bình Dương mua 2 tạ phân bón các loại và lúa giống, chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân. Cũng nhờ HTX có chính sách bán phân bón trả chậm, nên không có tiền mình vẫn có phân bón để sản xuất. Nếu ra đại lý phân bón thì không mua nổi, vì giá quá cao”, ông Đỗ Huấn, ở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, bày tỏ.
Tại HTX Nông nghiệp Phổ Minh (TX.Đức Phổ), những ngày qua, nông dân trong xã cũng tranh thủ đến “mượn phân bón”. Bởi mua phân bón tại HTX không những giá thấp hơn ngoài thị trường, mà còn không phải trả tiền ngay. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Phổ Minh Nguyễn Thanh Hoàng, trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường từ 100 - 300 tấn phân bón NPK. Giá bán được giữ ổn định trong một năm. Hợp tác xã luôn tạo điều kiện cho nông dân mua phân bón theo hình thức trả chậm, khi nào đến mùa vụ mới thanh toán hết. Nhiều hộ quá khó khăn, HTX để sang vụ sau nữa mới lấy tiền, nhưng giá cả vẫn không cao hơn ngoài thị trường.
Cùng với chương trình cho mượn phân bón, từ đầu tháng 12 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng NN&PTNT tại các địa phương trong tỉnh cũng đã kịp thời cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhờ đó, đã giúp nhiều nông dân có thêm nguồn lực để mua vật tư nông nghiệp, cây con giống. Chị Võ Thị Kim Chi, ở thôn An Long, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) chia sẻ, trước đây tôi buôn bán rau củ ở chợ quê, nhưng do dịch Covid-19 kéo dài nên nghỉ bán, chuyển sang chăn nuôi. Tôi vừa mới vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mua bò giống về nuôi và giống, phân bón chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân.
Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ sản xuất, nhu cầu vốn của người dân lại tăng. Nhưng số tiền mà người dân nông thôn cần từ 10 - 30 triệu đồng, nên để tạo thuận lợi cho khách hàng, Ngân hàng NN&PTNT các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện hỗ trợ hộ vay thông qua tổ vay vốn tại các xã, phường, thị trấn; đồng thời, triển khai cấp thẻ thấu chi cho khách hàng bằng hình thức vay tín chấp.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA