Lý Sơn: Trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP

09:12, 18/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hai năm qua, nhiều nông dân Lý Sơn đã trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hướng đi mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho cây tỏi - cây trồng được ví là “vàng trắng” ở đảo tiền tiêu.
 
Hướng đi tất yếu
 
Trước đây, người dân thường lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong việc trồng và chăm sóc cây tỏi, nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Vì vậy, nông dân Lý Sơn đã liên kết với doanh nghiệp trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, để tìm đầu ra ổn định cho cây trồng chủ lực này. Tỏi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đầu tư thấp, năng suất mỗi sào (500m2) đạt từ 300 - 400kg, giá thành cao gấp 3 - 4 lần so với tỏi trồng theo phương thức truyền thống. Hiện tỏi tiêu chuẩn VietGAP đã vào một số siêu thị lớn trên toàn quốc.
 
Nông dân Lý Sơn trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nông dân Lý Sơn trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP là không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thay vào đó là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Điều này không làm thay đổi chất lượng đặc trưng của tỏi Lý Sơn, mà chỉ bổ sung dinh dưỡng và tạo ra sản phẩm tỏi sạch. Nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất tỏi đều ghi chép nhật ký và thực hiện thu hoạch tỏi theo quy định chất lượng.
 
“Khâu sản xuất, bảo quản tỏi sau thu hoạch như trước đây thiếu bền vững, giá tỏi bấp bênh. Do đó, tỏi sạch là hướng đi tất yếu để cây tỏi đứng vững trên thị trường, còn người tiêu dùng được sử dụng tỏi chất lượng, an toàn”, ông Nguyễn Dự, ở thôn Tây An Hải (Lý Sơn), chia sẻ.
 
Mở rộng diện tích
 
Đến thời điểm này, đã có hàng chục nông dân Lý Sơn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản và tiêu thụ tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy diện tích không nhiều, nhưng cho thấy sự mở đầu của một hướng đi mới cho tỏi Lý Sơn.
 
Tỏi VietGAP Lý Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tỏi VietGAP Lý Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Sinh Nguyễn Văn Nhật, nhiều năm qua, tỏi Lý Sơn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, người dân nhiều nơi vẫn còn tâm lý e ngại vì nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Do đó, thay đổi là điều bắt buộc để tỏi Lý Sơn phát triển bền vững. Chúng tôi đã liên kết với nông dân sản xuất 20 sào tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu hoạch khoảng 8 tấn tỏi khô. Chúng tôi thu mua tỏi của nông dân cao hơn giá thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. “Nhu cầu sử dụng tỏi VietGAP của người tiêu dùng rất lớn, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới để đảm bảo cung ứng sản phẩm tỏi sạch cho thị trường”,  anh Nhật nói.
 
Vài năm gần đây, nhận thấy tỏi Lý Sơn mất dần giá trị, nên chính quyền huyện Lý Sơn đã nỗ lực bảo vệ thương hiệu bằng việc xây dựng và phát triển Chỉ dẫn địa lý và nâng cao giá trị cho đặc sản này. Cùng với đó, sản xuất tỏi sạch là hướng đi tất yếu. Ngoài một số ít diện tích tỏi đã được nông dân liên kết với doanh nghiệp canh tác theo hướng VietGAP, thì vụ tỏi đông xuân 2021 - 2022, có trên 60 hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản và tiêu thụ tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất ban đầu dự kiến đạt 6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15% so với phương thức canh tác truyền thống. Huyện Lý Sơn phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100ha sản xuất tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP (trong tổng số 325ha diện tích trồng tỏi của cả huyện).
 
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, những năm gần đây, tỏi Lý Sơn gặp khó khăn về đầu ra, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều vụ tỏi nông dân không trang trải được chi phí đầu tư, trong khi chuyển đổi cây trồng thì không phù hợp với thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng trên đảo. Vì vậy, việc nâng cao giá trị cây tỏi từ việc trồng tỏi sạch là giải pháp huyện tập trung triển khai. Huyện khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trồng tỏi sạch để nâng cao giá trị.
 
Triển khai một cách khoa học
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, một đề tài khoa học cấp bộ trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP đang được triển khai trong vụ tỏi đông xuân 2021 - 2022 này, trên diện tích 10ha. Thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2024, với kinh phí 11,3 tỷ đồng. Điều này sẽ thu hút được nhiều nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, tiêu thụ tỏi bền vững theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Bài, ảnh: HỮU DANH
 
 

.