Quỹ tín dụng nhân dân: Cần tháo gỡ vướng mắc

08:12, 14/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tuy dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và thu hồi nợ, nhưng từ đầu năm đến nay, các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) vẫn có mức tăng trưởng ổn định. Dẫu vậy, các quỹ này vẫn gặp một số vướng mắc do các quy định của Thông tư 21/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
[links()]
 
Toàn tỉnh hiện có 13 quỹ TDND đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, với hơn 20 nghìn thành viên, tăng hơn 4.430 thành viên so với năm 2013. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, hoạt động của quỹ TDND đã có tác động tích cực trong việc cung ứng vốn, dịch vụ tài chính, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
 
Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Đức Phong (Mộ Đức).
Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Đức Phong (Mộ Đức).
Tính đến cuối tháng 10/2021, tổng nguồn vốn của các quỹ TDND đạt 770 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần; tổng dư nợ cho vay trên 504 tỷ đồng, tăng gần 3,8 lần so với năm 2013. Các quỹ TDND đã đáp ứng nhu cầu vay vốn cho khoảng 4.720 lượt thành viên. Dư nợ bình quân 1 thành viên đạt khoảng 88 triệu đồng. Lợi nhuận bình quân hơn 297 triệu đồng/quỹ/năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,65% so với tổng dư nợ. Thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ tháng 3/2020, trung bình mỗi quỹ TDND đã giảm từ 0,5 - 3% lãi suất/năm.
 
Theo Giám đốc Quỹ TDND Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) Cao Văn Tình, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động cho vay và thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có khả năng tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, Quỹ TDND Trần Hưng Đạo cũng đã nỗ lực thực hiện các hoạt động tài chính phù hợp, hiệu quả. Hiện quỹ có khoảng 750 thành viên, dư nợ cho vay hơn 80 tỷ đồng. Để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng vay vốn trong điều kiện dịch bệnh, Quỹ TDND Trần Hưng Đạo cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát và giảm từ 1 - 3% lãi suất/năm cho hơn 20 khách hàng đang có dư nợ tại quỹ.
 
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản liên quan đến vốn góp của thành viên, địa bàn hoạt động, nhân sự của quỹ TDND tại các địa phương, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 21/2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020), sửa đổi các thông tư trước đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có một số vướng mắc cần tháo gỡ.
 
Một trong những vấn đề được nhiều quỹ TDND phản ánh, là trong thông tư này có quy định mức vốn góp xác định tư cách thành viên là 300 nghìn đồng/người; đồng thời phải duy trì vốn góp thường niên tối thiểu 100 nghìn đồng/thành viên/năm. Qua thực hiện cho thấy, việc triển khai thu vốn góp thường niên của thành viên gặp nhiều khó khăn, như mất nhiều thời gian và chi phí, vì thành viên sau khi trả hết nợ cho quỹ thường ít đến quỹ, nên gặp khó khi thu. Ngoài ra, thành viên khi hoàn thành các nghĩa vụ nợ với quỹ TDND và không có nhu cầu sử dụng tiếp các dịch vụ tại quỹ TDND, có thể xin hoàn trả lại vốn góp. Điều này dẫn đến vốn điều lệ của quỹ TDND luôn biến động trong một năm. Mặt khác, Thông tư 21 cũng quy định, người muốn góp vốn điều lệ phải chờ hết năm tài chính, sau khi đại hội thành viên thông qua danh sách mới được xác nhận đủ tư cách thành viên cho người góp vốn. Như vậy, khi người dân có nhu cầu vay vốn và muốn tham gia thành viên sẽ không được kết nạp ngay, mà phải chờ đến đại hội thành viên thông qua (tổ chức 1 lần/năm).
 
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ TDND Đức Phong (Mộ Đức) Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, khi người dân có nhu cầu vay vốn mới xin gia nhập thành viên và vay vốn, mà phải đợi đến khi đại hội thành viên thì không hợp lý. Bước vào vụ sản xuất đông xuân 2021 - 2022, cũng như nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng cuối năm, nhiều người cần số vốn từ 10 - 30 triệu đồng, sẽ khó tiếp cận với nguồn vốn từ quỹ, vì đại hội thành viên của quỹ tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau. Lúc này, người vay sẽ liên hệ với các tổ chức tín dụng khác, khiến việc kết nạp thành viên và cho vay của quỹ gặp nhiều khó khăn.          
 
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét những bất cập
 
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, qua thanh tra cho thấy, các quỹ TDND đã chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước, của pháp luật, nhưng vẫn còn một số thiếu sót trong quá trình hoạt động, đã được chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Về kiến nghị của các quỹ TDND liên quan đến Thông tư 21/2021, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tiếp nhận và báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 
 Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 
 

.