Du lịch Lý Sơn: Mong ngày mở cửa trở lại

08:12, 08/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn được mệnh danh là “thiên đường du lịch”, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Nhưng “cơn bão” dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 đã làm cho du lịch Lý Sơn bị tê liệt. Các dịch vụ du lịch “đóng băng”, còn người làm du lịch trên đảo rơi vào tình cảnh khó khăn...
[links()]
 
Ngành du lịch bị “đóng băng”
 
Năm nay, do tác động của dịch Covid-19, việc vận chuyển hành khách ra đảo Lý Sơn đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. “Chưa có khi nào tuyến vận tải Lý Sơn lại khó khăn như năm 2021. Các doanh nghiệp hiện phải cầm cự chờ dịch đi qua”, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng và dịch vụ vận tải Biển Đông Trần Đình Xem than thở.
 
Nhiều nhà hàng, khách sạn ở huyện Lý Sơn gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Nhiều nhà hàng, khách sạn ở huyện Lý Sơn gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Khách sạn Mường Thanh quy mô gần 100 phòng nay phải đóng cửa. Khách sạn Đảo Ngọc Lý Sơn cũng chung cảnh ngộ. Đây là 2 khách sạn lớn nhất đảo Lý Sơn, nhưng cũng rơi vào tình cảnh đìu hiu gần cả năm nay. Các khách sạn buộc phải cắt giảm nhân viên để cố gắng duy trì hoạt động. Giám đốc khách sạn Mường Thanh Lý Sơn Bùi Xuân Nghĩa thông tin, kể từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, khách sạn gần như đóng cửa hoàn toàn, chỉ duy trì một số ít nhân viên duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất. Chúng tôi hiện chỉ hỗ trợ nhân viên với mức lương khoảng 50% so với trước để giữ chân người lao động.  
 
Tại đảo Bé, hàng quán đóng cửa, không một bóng du khách. Người dân ở hòn đảo này từng rời biển lên bờ làm du lịch và có nguồn thu nhập ổn định, nhưng dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ. Chị Nguyễn Thị Lành, ở thôn Bắc An Bình kể, lúc chưa xảy ra dịch, thì tôi vừa bán hành, tỏi, vừa chạy xe đưa đón khách đi tham quan, thu nhập cũng khá. Nhưng bây giờ, không còn nguồn thu nào cả, khiến đời sống của gia đình rất khó khăn.
 
Du lịch homestay, một cách làm du lịch từng kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho Lý Sơn, giờ cũng rơi vào trạng thái “đóng băng”. Khu du lịch homestay Bé Ecologde, ở đảo Bé, nằm đìu hiu trong nắng mưa. “Homestay vừa mới bắt đầu khôi phục lại sau cơn bão số 9 năm 2020, thì buộc phải đóng cửa bởi vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giờ chỉ mong dịch được đẩy lùi để homestay này, cũng như các cơ sở lưu trú ở đảo Lý Sơn, được mở cửa đón khách trở lại”, chủ homestay Bé Ecologde Phạm Thị Thâu nói giọng buồn.
 
Anh Trần Minh Khánh từng rất tự tin về đầu tư dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch. Năm 2016, gia đình anh Khánh đầu tư khách sạn Đại Dương, với số tiền trên 10 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền vay ngân hàng. Năm 2017, khách sạn được đưa vào hoạt động, nhưng đến nay chưa thu hồi được vốn thì rơi vào tình cảnh bế tắc, khi khách sạn không đón được khách mà mỗi tháng phải trả lãi vay ngân hàng. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn tại huyện Lý Sơn.
 
Các nhà hàng, quán ăn gặp nhiều khó khăn vì đóng cửa phòng, chống dịch Covid-19.
Các nhà hàng, quán ăn gặp nhiều khó khăn vì đóng cửa phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, các dịch vụ kinh doanh khác của người dân Lý Sơn cũng bị tác động nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn Nhật là người kinh doanh quà tặng, quà lưu niệm đặc trưng của đảo Lý Sơn, nhưng quày trưng bày và bán các mặt hàng đặc sản của anh cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Tương tự, dịch vụ ăn uống cũng đối mặt với bộn bề khó khăn, khi phải đóng cửa chờ dịch qua đi...
 
Phục hồi du lịch như thế nào?
 
Hậu quả mà dịch Covid-19 gây ra cho du lịch Lý Sơn khiến việc phục hồi là không đơn giản. Nhưng những người làm du lịch ở đảo vẫn có sự chuẩn bị nhằm “đón đầu tương lai”, khi Lý Sơn mở cửa đón du khách trở lại.
 
Anh Võ Minh Đặng đã đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng 2 cơ sở homestay. Dù homestay không hoạt động, khó khăn chồng chất, nhưng những người làm du lịch như anh vẫn có niềm tin rằng, du lịch Lý Sơn sẽ lại phát triển sau khi địa phương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong 5 tháng đóng cửa homestay, anh Đặng đã bỏ vốn đầu tư thêm các mô hình du lịch mới để phù hợp với tiềm năng du lịch biển đảo sẵn có của Lý Sơn. “Tôi phát triển thêm hoạt động chèo thuyền SUP trên biển, rồi triển khai mô hình Famtrip, vì thấy thích hợp với huyện đảo Lý Sơn. Khi các hoạt động tạm dừng vì dịch, tôi chuẩn bị dần để khi Lý Sơn mở cửa trở lại thì không bị động”, anh Đặng tính toán.
 
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở Lý Sơn rơi vào cảnh đìu hiu nhiều tháng qua.
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở Lý Sơn rơi vào cảnh đìu hiu nhiều tháng qua.
Lúc này, người làm du lịch ở Lý Sơn đang kỳ vọng sẽ có những chính sách hỗ trợ của địa phương để có điều kiện gượng dậy sau dịch. Theo Giám đốc Công ty Du lịch Cánh Buồm Đỏ Lý Sơn Bùi Được, người làm du lịch cũng đã nghĩ ra thêm các ý tưởng mới để triển khai trong thời gian tới. Công ty sẽ mở thêm mô hình du lịch trải nghiệm ngành nghề truyền thống, văn hóa lễ hội. Đây là mô hình hiện nay còn hạn chế ở địa phương. Các doanh nghiệp rất mong có sự hỗ trợ, ưu đãi về các nguồn vốn vay để có điều kiện đầu tư, phát triển du lịch.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho rằng, ngay thời điểm này, huyện đã có những động thái phục hồi lại ngành dịch vụ, du lịch. Theo đó, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ, ấn phẩm du lịch. Cùng với đó là, liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện, công ty lữ hành để xúc tiến tổ chức các lễ hội, hội thao, hội thảo, các đoàn Famtrip khi dịch Covid-19 được khống chế. Địa phương khuyến khích mỗi người dân trở thành kênh quảng bá du lịch, tạo dựng thương hiệu, uy tín cho du lịch Lý Sơn.
 
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lý Sơn lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, Lý Sơn sẽ đón khoảng 320 nghìn lượt khách du lịch; tổng thu từ ngành du lịch khoảng 750 tỷ đồng. Nhưng để phục hồi ngành du lịch và đạt được chỉ tiêu này, huyện Lý Sơn còn rất nhiều việc phải làm. 
 
“Huyện xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên đang tập trung các giải pháp để phục hồi du lịch. Ban hành những chính sách mới để hỗ trợ cho những người làm du lịch như hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch, mở các lớp tập huấn; đồng thời tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch... Phối hợp với các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn... tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, để “giữ chân” du khách khi đến Lý Sơn. Các biện pháp này kỳ vọng sẽ từng bước đưa ngành du lịch của địa phương sớm phục hồi”, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương chia sẻ.
 
Những con số không vui
 
Theo UBND huyện Lý Sơn, tổng lượt khách đến Lý Sơn năm 2020 ước đạt 290 nghìn người, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Doanh thu từ du lịch chiếm 21% tổng giá trị các ngành kinh tế. Nhưng đà tăng trưởng của du lịch của Lý Sơn đã bị chậm lại do dịch Covid-19. Trong 9 tháng năm 2021, du khách đến Lý Sơn tham quan, du lịch giảm gần 34% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 83% so với năm 2019. Từ tháng 1/2021 đến nay, huyện Lý Sơn chỉ đón gần 39 nghìn du khách. Đây là lượng khách thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nguồn thu từ ngành du lịch, thương mại, dịch vụ của huyện trong 9 tháng năm 2021 giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đã tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách của huyện Lý Sơn.
 
Bài, ảnh: MINH HUY
                                                                                                          
 
 
 
 
 

.