Cú huých cho công tác giảm nghèo

08:12, 08/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách được ban hành đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
[links()]
 
Trợ lực để thoát nghèo 
 
Từ năm 2015 trở về trước, kinh tế gia đình anh Phạm Văn Đường, ở thôn Gò Rét - Ma Nghít, xã Ba Cung (Ba Tơ) gặp nhiều khó khăn. Cả gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và tiền làm thuê. Trong một buổi sinh hoạt chi đoàn thôn, nghe Đoàn xã triển khai chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), anh Đường quyết định vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay dành cho hộ nghèo.
 
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Phạm Văn Đường, ở xã Ba Cung (Ba Tơ) đã phát triển kinh tế rừng, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Phạm Văn Đường, ở xã Ba Cung (Ba Tơ) đã phát triển kinh tế rừng, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau khi được giải ngân, anh đầu tư trồng hơn 2,5ha cây keo lai. Nhờ lao động chăm chỉ, gia đình anh Đường đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, gia đình anh Đường đã sở hữu 4ha keo và làm chủ một chiếc xe tải chuyên chở cây keo nguyên liệu, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Đường là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững ở địa phương.
 
Đến cuối tháng 11/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ước đạt hơn 3.910 tỷ đồng, với khoảng 95 nghìn hộ vay vốn còn dư nợ, tăng khoảng 245 tỷ đồng so với năm 2020. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,19%/tổng dư nợ, giảm hơn 930 triệu đồng so với năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Dân ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), cũng được hỗ trợ vay vốn để đầu tư chăn nuôi đàn bò lai. Mới đây, ông Dân đã bán 2 con bò thịt, thu về gần 90 triệu đồng. “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình tôi khó có thể thoát nghèo và có tiền cho con ăn học. Đối với nông dân, con bò là vật nuôi có giá trị lớn. Sau khi tất toán khoản vay cũ, đầu năm 2021, tôi  tiếp tục vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh, để phát triển đàn bò lai, với hy vọng đem lại lợi nhuận cao hơn”, ông Dân chia sẻ.

 
Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Sơn Nguyễn Hồng Nhân cho biết, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đối với tín dụng chính sách đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 5% năm 2015 giảm xuống còn 1,5%. Hiện dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã gần 30 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, xã Tịnh Sơn không phát sinh nợ quá hạn.
 
Đẩy mạnh tín dụng chính sách  
 
Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40, vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho hàng chục nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách, góp phần làm chuyển biến phương thức sản xuất của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi của tỉnh từ 42% năm 2016 xuống còn 18,01% (ước thực hiện năm 2021).
 
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình ông Lữ Đình Sinh, ở xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) đã đầu tư chăn nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình ông Lữ Đình Sinh, ở xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) đã đầu tư chăn nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết, sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã vào cuộc chỉ đạo sát sao trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Việc tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương năm sau cao hơn năm trước, để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. 
 
Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các cấp, ngành, cơ quan chức năng quản lý nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo người vay sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, tham mưu chính quyền địa phương lồng ghép giữa vốn vay Ngân hàng CSXH với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, ngoài nguồn vốn từ trung ương chuyển về tỉnh, huyện cần tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. 
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
  

.