Không kê khai nuôi thủy sản: Người dân bị thiệt kép

02:02, 17/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định của Luật Thủy sản, việc kê khai ban đầu là điều kiện bắt buộc để Nhà nước xem xét hỗ trợ người nuôi thủy sản khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được người nuôi thủy sản quan tâm, còn chính quyền các địa phương cũng không chú trọng.
[links()]
Mưa bão vào cuối năm 2020, khiến người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là ở các huyện Bình Sơn, Lý Sơn và TX.Đức Phổ bị thiệt hại nặng nề, với trên 42ha cá, 25,5ha tôm và 471 lồng bè bị hư hỏng, nước cuốn trôi. Đặc biệt, hàng chục hộ nuôi thủy sản lồng bè ở huyện đảo Lý Sơn bị mất trắng, tổng thiệt hại hàng chục tỷ đồng.  
Thủy sản chết, lồng bè bị hư hại, nhưng vì không kê khai ban đầu, lại nuôi ngoài quy hoạch nên nhiều hộ dân không được Nhà nước hỗ trợ.
Thủy sản chết, lồng bè bị hư hại, nhưng vì không kê khai ban đầu, lại nuôi ngoài quy hoạch nên nhiều hộ dân không được Nhà nước hỗ trợ.
Ông Bùi Văn Lý, ở huyện Lý Sơn cho biết: “Gia đình tôi nuôi 30 lồng, với khoảng 1.000 con cá bớp, cá mú. Đợt lũ lụt sau bão số 9 năm 2020, lồng nuôi cá bớp bị nước cuốn trôi, cộng với cá bị sốc nước ngọt nên chết khá nhiều. Giờ gia đình gặp rất nhiều khó khăn”. Trong khi đó, ông Lê Văn Hết, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cũng lâm vào cảnh nợ nần, khi có hơn 1.000 con cá bớp, trong đó có khoảng 50% cá để phục vụ thị trường tết Nguyên đán Tân Sửu, đã bị thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa bão hồi cuối năm 2020. Vì vậy, ông Hết, ông Lý cũng như nhiều hộ nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh mong muốn được nhà nước hỗ trợ, để sớm ổn định và tái sản xuất.
 
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thủy sản, điều kiện để được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai là khu vực nuôi thủy sản lồng bè phải thuộc vùng quy hoạch, nhưng những hộ nuôi thủy sản ở huyện Bình Sơn và TX.Đức Phổ lại nằm ngoài quy hoạch. Trong khi đó, khu vực huyện Lý Sơn là vùng được tỉnh quy hoạch nuôi biển, nhưng người dân lại chưa quan tâm đến việc kê khai nuôi thủy sản, hoặc thực hiện chưa đúng như quy định về số lượng lồng nuôi, chủng loại và số lượng thủy sản, cũng như diễn biến trong suốt quá trình nuôi. Trong khi đây là điều kiện bắt buộc để thực hiện chính sách hỗ trợ. 
 
Còn chính quyền địa phương cũng chỉ nắm bắt, thống kê chung chung về số lượng bè nuôi, con giống thả nuôi đầu vụ, sản lượng thương phẩm trong kỳ thu hoạch... Vì vậy, khi xảy ra thiệt hại, việc thực hiện các thủ tục hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi theo quy định, UBND cấp xã, phường có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào bản kê khai thủy sản ban đầu của người dân, trước khi họ tổ chức thả con giống. Ngoài ra, người nuôi thủy sản cũng phải cung cấp đầy đủ các loại giấy kiểm dịch, giấy xác nhận về nguồn gốc và chất lượng con giống...
 
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, dù đơn vị này đã phối hợp với các địa phương và ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, cũng như thực hiện nhiều biện pháp để quản lý các vùng nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Nhất là tình trạng người nuôi chưa quan tâm và hầu như không yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ lô giống. 
 
Đặc biệt, việc “né” kê khai thủy sản ban đầu, vừa khiến người dân bị thiệt “kép” (do không được Nhà nước hỗ trợ), vừa “làm khó” cơ quan quản lý. Bởi khi xảy ra thiệt hại, có tình trạng người dân nâng khống số lượng thủy sản, để được hỗ trợ nhiều. Vì vậy, thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ việc nuôi thủy sản, nhất là thủy sản lồng bè; yêu cầu hộ nuôi thực hiện kê khai cụ thể số lượng, cũng như diễn biến trong quá trình nuôi.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.