Làng hoa "chạy" bão lũ

04:11, 14/11/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Hai xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) từ lâu được biết đến là vựa hoa của tỉnh, cung cấp một lượng lớn hoa Tết cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nếu khoảng thời gian này của những năm trước, các nhà vườn chỉ dành thời gian chăm bón để cây phát triển tốt thì nay công việc của họ lại khó khăn hơn gấp bội vì phải liên tục đối mặt với bão lũ.

[links()]

Bão số 13 cận kề, cũng là lúc các làng hoa đang tất bật chạy đua trong công tác “chạy” bão để có hoa cung ứng cho dịp Tết năm nay. Người bỏ thêm cát vào chậu, người cột dây, ràng lưới, người vội vàng cắm cháy với hi vọng giúp các chậu hoa hạn chế được phần nào thiệt hại khi cơn bão số 13 vào đất liền. Từ đầu tháng 10 đến nay, các nhà vườn phải liên tục chuẩn bị các công tác phòng chống khi bão, lũ liên tục đổ bộ. Mệt mỏi có, chán nản có, nhưng bão còn vào thì công tác chạy bão cho hoa lại phải diễn ra.

Vườn nằm sát mé sông nên Huỳnh Thị Ánh Dương (Hành Phước, Nghĩa Hành) phải khẩn trương di chuyển các chậu cây vào trong.
Vườn nằm sát mé sông nên chị Huỳnh Thị Ánh Dương (Hành Phước, Nghĩa Hành) phải khẩn trương di chuyển các chậu cây vào trong.

Bà Ngô Thị Hải ngụ thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đã có hơn 10 năm trong nghề trồng hoa bán Tết. Những năm trước, trung bình mỗi năm bà trồng được hơn 1.000 chậu cúc bán cho các thị trường các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định,... Với thời tiết thuận lợi, công việc trồng hoa bán Tết cũng giúp gia đình bà Hải có đủ tiền trang trải cuộc sống trong suốt một năm. Nhưng năm nay, khó khăn lại đến với gia đình bà Hải cũng như nhiều hộ dân trồng hoa khác.

Đắp vội những nắm cát vào gốc cúc, với gương mặt đầy âu lo, bà Ngô Thị Hải bày tỏ: “Chưa năm nào, người trồng hoa ở Quảng Ngãi lại khổ cực như lúc này. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tôi chỉ trồng hơn 700 chậu cúc. Đợt bão vừa rồi, các chậu cây bị ngã gãy, vàng úng rất nhiều. Giờ vừa dồn chậu, ổn định xong số cây còn sót lại thì bão số 13 lại đến. Gia đình tôi chỉ đành tiếp tục ràng cây phòng bão, giữ được chút nào thì hay chút ấy thôi.”

Mưa bão vừa qua làm vườn hoa của bà Hải bị thiệt hại nhiều. Trong đợt bão này, bà Hải huy động cả gia đình ra vườn phụ chống bão cho cây để đỡ tiền công thuê người.
Mưa bão vừa qua làm vườn hoa của bà Hải bị thiệt hại nhiều. Trong đợt bão này, bà Hải huy động cả gia đình ra vườn phụ chống bão cho cây để đỡ tiền công thuê người.

Dọc theo bờ sông Vệ về đến xã Hành Phước (Nghĩa Hành), công tác “chạy” bão cũng được thực hiện khẩn trương. Là một trong những hộ trồng hoa cúc Tết tại đây, anh Trần Hoài Thu (thôn Thuận Hòa) cho biết, nếu những năm trước người trồng hoa chỉ việc chăm bón cây phòng trừ nấm, sâu bệnh thì nay lại tốn công sức gấp mấy lần khi phải liên tục đối phó bão. 

Năm nay nhà tôi trồng hơn 1.000 chậu cúc. Số lượng hoa nhiều nên mình không thể di chuyển đi hết được, chỉ còn cách lựa những chậu cây to, đẹp nhất đưa vào trong nhà. Số còn lại thì mình cắm cháy chèo chống, buộc dây lại để cố định hi vọng sẽ không bị thiệt hại nhiều.

Các chậu cúc to đẹp hơn được anh Thu đưa vào nhà, đôn cao trên các chậu để tránh hư hại do bão, lũ.
Các chậu cúc to đẹp hơn được anh Thu đưa vào nhà, đôn cao trên các chậu để tránh hư hại do bão, lũ.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Bùi Văn Vàng chia sẻ, huyện Tư Nghĩa được xem là "thủ phủ" hoa cúc của tỉnh với trên 1000 hộ chuyên canh lại cây trồng này, riêng xã Nghĩa Hiệp đã có khoảng 700 hộ. Tuy hoa chỉ bán vào dịp cuối năm, nhưng đây lại là nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho các hộ chuyên trồng hoa. Trước tình hình thời tiết liên tục gây bất lợi như hiện nay, bà con trồng hoa Tết đã chịu nhiều ảnh hưởng. Vụ hoa năm nay có lẽ sẽ không được mùa nhưng cũng hi vọng hoa sẽ được giá để bù lại công sức chăm sóc cho người trồng hoa, tiếp thêm động lực để họ tiếp tục bám nghề.

An Hiên


.