(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tập trung phát triển 6 nhóm sản phẩm, trong đó có dịch vụ du lịch nông thôn. Với mục tiêu phát triển 1 - 2 điểm du lịch đạt tiêu chuẩn, Chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ góp phần giúp các điểm du lịch của tỉnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Động lực từ du lịch cộng đồng
“Trước đây, làng Gò Cỏ là xóm còn nghèo, thu nhập người dân bấp bênh, vì chủ yếu phụ thuộc vào các chuyến biển gần bờ và trồng trọt trên diện tích đất canh tác ít. Từ khi tiếp cận với du lịch cộng đồng, đời sống người dân trong làng có sự thay đổi và ai cũng tích cực sửa sang nhà cửa, hạn chế xả rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Những đợt đón tiếp khách đến khiến không khí làng quê rộn ràng hơn”, bà Nguyễn Thị Thiệt, ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (T.X Đức Phổ) chia sẻ.
Làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) là nơi lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về các nền văn hóa cổ. |
Làng Gò Cỏ là một ngôi làng cổ nhỏ ven biển, còn lưu giữ nhiều bằng chứng quan trọng về ba nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt, với các di tích đền thờ, miếu, giếng cổ, những bức tường đá. Ngoài ra, nơi này còn có các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Nhờ đó, mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch cộng đồng tại Gò Cỏ để phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế, đời sống của người dân.
“Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập vào tháng 4.2019, với 37 thành viên, hình thành các tổ dịch vụ như homestay, ăn uống, thuyền nan... Tính đến tháng 3.2020, làng Gò Cỏ đón khoảng 200 lượt khách, trong đó chủ yếu là khách du lịch trong nước”, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết.
Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh: Địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, người dân rất hào hứng tham gia làm du lịch cộng đồng. Song, đây là sản phẩm mới mẻ, cần nguồn lực và thời gian đầu tư lâu dài để phát triển bền vững, mang lại thu nhập cho người dân. Địa phương kỳ vọng, Chương trình OCOP sẽ tạo cú hích để sản phẩm du lịch phát triển.
“Sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn phải được phát triển dựa trên lợi thế đặc trưng của địa phương, có tính độc đáo, khác biệt và không trùng lắp. Điều cốt yếu là xây dựng được câu chuyện về sản phẩm và giới thiệu câu chuyện đến du khách".
Ông
NGÔ VĂN HƯNG
|
Bám sát bộ tiêu chí mới
Xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lớn và cảnh đẹp như: Khu chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, rừng dừa nước, bãi biển Mỹ Khê... Song, dù vị trí thuận lợi, giao thông thuận tiện, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vì cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, nên chưa phát huy hết giá trị. “Dịch vụ du lịch là sản phẩm được chọn trong Chương trình OCOP của địa phương. Để thực hiện hiệu quả, xã cần nhiều giải pháp đồng bộ như về nhân lực, quản lý, quảng bá và nguồn vốn đầu tư”, Phó Giám đốc HTX Kinh doanh và Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Khê Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Trước đây, Bộ tiêu chí về sản phẩm du lịch trong Chương trình OCOP chỉ mang tính chất sản phẩm vật chất nên không đánh giá được hết bản chất của sản phẩm dịch vụ du lịch. Theo Quyết định 781 sửa đổi, bổ sung một số phụ lục của Quyết định 1048 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, thì đối với bộ sản phẩm dịch vụ lịch cộng đồng và điểm du lịch có nhiều thay đổi, với18 tiêu chí, nhằm đánh giá đúng bản chất hơn của sản phẩm dịch vụ du lịch.
Theo Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Ngô Văn Hưng, bám sát bộ tiêu chí mới, đối với tổ chức dịch vụ cộng đồng phải có bộ phận điều hành, cơ chế quản lý và nhất là bảo vệ môi trường trong cộng đồng làm du lịch. Để phát triển du lịch, cần xây dựng chuỗi liên kết vùng, quảng bá thông qua các kênh hiện đại như xây dựng trang thông tin điện tử và có sử dụng đặt hàng trực tuyến...
Bài, ảnh: BẢO HÒA