Khó giải thể các hợp tác xã "tồn tại trên giấy"

08:10, 03/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để tạo sự bứt phá trong khu vực kinh tế tập thể, điều quan trọng nhất là nhanh chóng giải thể những HTX yếu kém hoặc đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, việc giải thể các HTX này hiện đang gặp không ít khó khăn.
 
Nhiều HTX chật vật tồn tại
 
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 258 HTX, thì trong đó có 30 HTX đã ngừng hoạt động và 40% HTX hoạt động trung bình, yếu kém hoặc chờ giải thể. 
 
Dù đã ngừng hoạt động từ nhiều năm qua, trụ sở đã xuống cấp, nhưng đến nay HTX Nông nghiệp Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa giải thể được.
Dù đã ngừng hoạt động từ nhiều năm qua, trụ sở đã xuống cấp, nhưng đến nay HTX Nông nghiệp Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa giải thể được.
Đơn cử như HTX Dịch vụ điện Đức Phong (Mộ Đức). Trước đây, HTX này chỉ làm duy nhất một dịch vụ điện phục vụ cho hồ nuôi tôm, thế nhưng, nghề nuôi tôm ở Đức Phong bị thua lỗ, người nuôi bỏ hồ, dẫn đến hoạt động cung cấp điện cũng “ế” theo, đôi lúc tưởng như đã phải dừng hoạt động... Nhờ mấy năm gần đây, nhiều người dân xã Đức Phong đã cải tạo hồ, chuyển đổi sang nuôi ốc hương, nên HTX Dịch vụ điện Đức Phong mới có “việc làm”. Tuy nhiên, công trình cấp điện nằm sát biển, thường xuyên hư hỏng, xuống cấp nên chi phí duy tu, bão dưỡng rất lớn, khiến HTX lại rơi vào "thế khó".
 
Tương tự, HTX Nuôi trồng thủy sản Phổ Minh (TX.Đức Phổ), từng được nhà nước quan tâm đầu tư, nhằm tạo ra đột phá trong nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân ven biển. Tuy nhiên, sau 16 năm hoạt động, số lượng thành viên HTX hiện chỉ còn khoảng 20 người, vốn điều lệ không có. Ngoài cung ứng điện, HTX không phát triển thêm dịch vụ nào khác nên đã nộp đơn xin giải thể. Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Phổ Minh Nguyễn Muộn cho biết: Chi phí thu được từ dịch vụ điện chỉ đủ phục vụ cho hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa điện, không đủ trả lương cho Ban Giám đốc HTX. Nếu tiếp tục hoạt động sẽ không biết lấy kinh phí đâu để bù lỗ, nên phải xin giải thể.
 
Vì sao khó giải thể?
 
Giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh đã giao kế hoạch cho các đơn vị liên quan phải tiến hành giải thể 18 HTX nông nghiệp. Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực, đến nay mới giải thể được 6 HTX. Theo Điều 54, Luật HTX 2012, nếu HTX muốn giải thể thì phải thành lập được hội đồng giải thể gồm: Đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành và thành viên HTX. Hơn nữa, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định giải thể, hội đồng giải thể phải có trách nhiệm thực hiện các công việc gồm: Thông báo về việc giải thể tới cơ quan quản lý Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho HTX; đăng báo địa phương nơi HTX hoạt động trong 3 số báo liên tiếp về việc giải thể; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với HTX về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng, xử lý tài sản và vốn chung của HTX.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần các HTX đã ngừng hoạt động, hoạt động yếu kém đều không có kinh phí để tiến hành các thủ tục như tổ chức đại hội công bố giải thể, đăng báo địa phương 3 số liên tiếp về việc giải thể... Hơn nữa, do ngừng hoạt động trong một thời gian dài, HTX không thành lập được hội đồng giải thể do ban quản trị, ban kiểm soát, thành viên của HTX mỗi người một nơi; nhiều HTX không còn tài sản chung để thanh toán nợ với các tổ chức, cá nhân có liên quan; sổ sách, hồ sơ, giấy tờ, con dấu, giấy đăng ký HTX bị thất lạc hoặc bị mất nên khó có thể tiến hành giải thể HTX.
 
Sự tồn tại của những HTX "mang tính hình thức" đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của kinh tế tập thể, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tỉnh ta đang nỗ lực xây dựng các mô hình HTX kiểu mới năng động hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.  Vì khi nhìn vào những HTX hoạt động kém hiệu quả, người dân sẽ mất lòng tin vào kinh tế tập thể nói chung và mô hình HTX kiểu mới nói riêng, nên việc phát triển các mô hình HTX kiểu mới gặp nhiều khó khăn. Điều đó được thể hiện qua số lượng thu hút thành viên tham gia vào các HTX kiểu mới rất ít.
 
Nguời đã mất vẫn còn đại diện pháp luật
 
Tính đến cuối tháng 8.2020, TP.Quảng Ngãi hiện có 4 HTX chưa thể giải thể được. Đây là một trong những địa phương có số HTX "tồn tại trên giấy" nhiều nhất. Thậm chí, nhiều lãnh đạo đại diện về mặt pháp luật cho HTX đã mất từ nhiều năm trước, nhưng vẫn còn đứng tên đại diện cho HTX .
 
Bài, ảnh: HOA LÊ
 
 
 
 

.