Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

03:10, 04/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Là một khâu đột phá của tỉnh, những năm gần đây, ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, loại hình du lịch... Tuy nhiên, để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực (NNL) đóng vai trò rất quan trọng.
Vừa yếu, vừa thiếu
 
Theo đánh giá của ngành du lịch tỉnh, NNL lĩnh vực du lịch, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh và huyện còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 12.400 lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong đó có gần 4.000 lao động trực tiếp. Lao động trong lĩnh vực lưu trú chiếm gần 3.000 người. Thế nhưng, qua khảo sát thì tỷ lệ cán bộ, nhân viên có trình độ đào tạo không đúng chuyên ngành du lịch chiếm trên 60%.   
Người dân làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (TX.đức Phổ) tham gia lớp tập huấn kiến thức về làm du lịch cộng đồng.                     Ảnh: NVCC
Người dân làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (TX.đức Phổ) tham gia lớp tập huấn kiến thức về làm du lịch cộng đồng. Ảnh: NVCC
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa, hiện nay nhân lực du lịch Quảng Ngãi tuy đã tăng về số lượng, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các vị trí quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch. Số lao động chưa được đào tạo về ngoại ngữ chiếm 76% và nhân lực đã qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp. Hiện Quảng Ngãi có 5 cơ sở giáo dục có các chuyên ngành đào tạo du lịch ở tất cả các bậc, nhưng chưa có cơ sở đào tạo riêng về du lịch.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 639 về phát triển nhân lực du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tập trung thực hiện các giải pháp, phấn đấu đến năm 2025 tạo việc làm cho 20.000 người, trong đó có 80% được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch; tăng tỷ lệ lao động được đào tạo về ngoại ngữ lên 35% năm 2025 và 45% năm 2030; tăng số lượng hướng dẫn viên du lịch trung bình mỗi năm 8%, trong đó số lượng hướng dẫn viên du lịch quốc tế là 6%/năm...
Tập trung nâng cao chất lượng
 
Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã tổ chức trên 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên các doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, ngành tổ chức cho một số huyện đi tham quan học hỏi kinh nghiệm về homestay và quản lý nhà nước về du lịch tại một số tỉnh, thành trong nước...
 
Tại Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ), việc phát triển du lịch đã có nhiều khởi sắc, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho hơn 400 lao động tại làng này, ngành du lịch cùng với HTX Du lịch cộng đồng Gò Cỏ phối hợp với các trường triển khai nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, nấu ăn, cách làm du lịch cộng đồng và tổ chức nhiều lớp đi thực tế cho người dân. “Trước giờ nông dân chúng tôi chỉ quen với ruộng đồng, giờ làm du lịch, dù đã hơn 60 tuổi, nhưng tôi vẫn cố gắng tham gia các khóa tập huấn để cùng với con cháu hỗ trợ, phục vụ du khách tốt hơn”, bà Bùi Thị Vân, ở làng Gò Cỏ chia sẻ.
 
Tại huyện đảo Lý Sơn, NNL tham gia làm du lịch homestay chủ yếu là nông dân quanh năm trồng hành, tỏi. Do đó, tập trung phát triển nhân lực du lịch đi kèm với nâng cao chất lượng là bài toán đặt ra cho địa phương thời gian đến, để hướng đến phát triển du lịch chuyên nghiệp và bền vững hơn. Anh Phan Hồng Nhân, ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) cho biết: “Du lịch tại địa phương phát triển mạnh, nên dù học sư phạm, nhưng tôi rẽ hướng sang làm du lịch. Là thành viên Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch Lý Sơn, tôi mong có nhiều chương trình đào tạo tại địa phương để những người làm du lịch có điều kiện tham gia nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ”.
 
Dự kiến đến năm 2025, Quảng Ngãi sẽ đón gần 2 triệu lượt khách du lịch. Điều này đặt ra thách thức lớn cho du lịch của tỉnh. “Để du lịch Quảng Ngãi phát triển, thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo tăng cường đào tạo và bồi dưỡng để chuẩn hóa NNL theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam; tăng số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến cơ sở; tiếp tục tổ chức các khóa ngắn hạn theo chuyên đề để nâng cao kiến thức về du lịch cộng đồng, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, quản lý lưu trú... cho cư dân các địa phương trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng”, bà Hoa nhấn mạnh. 
 
             TRÍ PHONG
 
 
 
 
 

.