(Báo Quảng Ngãi)- Hàng loạt chương trình khuyến mãi như giảm giá, tặng quà... được các cửa hàng, siêu thị, chợ triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, nhưng sức mua vẫn thấp. Dự báo những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân cũng sẽ không sôi động như những năm trước, kể cả thời điểm tết Nguyên đán.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khuyến mãi sâu, sức mua vẫn yếu
Chưa bao giờ hoạt động khuyến mãi đối với hàng hóa tiêu dùng lại rầm rộ như hiện nay. Tất cả các siêu thị, trung tâm mua sắm, siêu thị mini, đại lý phân phối, cửa hàng tạp hóa, thậm chí là chợ truyền thống đều tổ chức khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách khi mua hàng.
Nhiều mặt hàng thiết yếu tại Siêu thị Go! Quảng Ngãi hiện đang giảm giá mạnh. |
Tại Siêu thị Go! Quảng Ngãi, gần 100% các mặt hàng kinh doanh đều áp dụng chương trình giảm giá, mua sản phẩm được tặng quà, bốc thăm trúng thưởng. Có nhiều mặt hàng giảm từ 50 - 70% giá bán, nhất là các mặt hàng gia dụng, trái cây, rau, củ. Còn ở Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, chương trình giảm giá được áp dụng linh loạt theo ngày, giờ nhất định trên một số mặt hàng thực phẩm ngoại nhập như cá hồi, táo, cam...
Một số mặt hàng thiết yếu bán tại đây hiện cũng đang chạy chương trình "mua 2 tặng 1", "mua nửa giá được nhiều gấp đôi". Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn bán tại các chợ truyền thống cũng được tặng quà hấp dẫn... Thế nhưng, vẫn không thể kích cầu tiêu dùng, kéo người mua đến với siêu thị, chợ. Thậm chí ở từng thời điểm, sức mua giảm khá mạnh, nhất là với mặt hàng thực phẩm cao cấp, ngoại nhập, bia, rượu...
Theo thông tin từ các siêu thị, doanh số bán hàng liên tục giảm từ 30 - 70% so với thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua. Tình hình tiêu thụ thịt heo, gà, bò, hải sản cũng giảm từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2019. Sức mua yếu đã khiến cho quy mô kinh doanh tất cả các mặt hàng đều thu hẹp. Một số chợ truyền thống đã hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác cũng bị chậm lại, do tiểu thương lo ngại sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu kinh doanh vào thời điểm này.
Kịch bản sản xuất hàng Tết sẽ thay đổi
Những năm trước, vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch sản xuất các mặt hàng Tết. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn "án binh bất động". Hiện tại, các nhà máy sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, bia của Công ty CP Đường Quảng Ngãi vẫn đang tổ chức đánh giá lại thị trường dịp Tết. Ngay cả các trang trại, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc tổ chức đầu tư chăn nuôi phục vụ Tết cũng phải thực hiện việc cắt giảm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: "Hiện các cơ sở chăn nuôi gà đã bắt đầu tập trung sản xuất hàng phục vụ Tết, nhưng hầu hết đều cân nhắc thực hiện số lượng khoảng 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2019. Theo khảo sát, ngoài khách hàng truyền thống trong tỉnh, thị trường ngoài tỉnh và khách hàng mới gần như không phát sinh. Nếu không tính kỹ, đầu tư thả nuôi ồ ạt, cung sẽ vượt cầu, dẫn đến thua lỗ".
Ngoài ra, quy định mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 được dự báo sẽ ảnh hưởng nhất định đến cung cầu hàng hóa Tết, đó là "thưởng Tết có thể bằng hiện vật thay vì chỉ bằng tiền như trước đây". Nhiều khả năng quy định này sẽ là cơ hội để các nhà máy, xí nghiệp ký được các đơn hàng trực tiếp với nhà sản xuất với số lượng lớn phục vụ việc thưởng Tết. Điều này cũng đồng nghĩa, lực lượng công nhân, người lao động sẽ giảm nhu cầu mua sắm. Vì thế, hiện không ít doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đã tìm kiếm đối tác để có thể ký kết hợp đồng sản xuất hàng Tết theo đơn hàng, thay vì sản xuất ồ ạt đưa ra thị trường.
Dự báo được những tác động khách quan một cách kịp thời cũng chính là giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng thoát khỏi khó khăn trong suốt cả năm 2020.
Bài, ảnh: THANH NHỊ