(Báo Quảng Ngãi)- Du lịch cộng đồng (DLCĐ) không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình DLCĐ, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2012, trên địa bàn tỉnh, loại hình DLCĐ xuất hiện đầu tiên tại Lý Sơn. Đến nay, loại hình du lịch này đã phát triển tại các huyện Bình Sơn, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX.Đức Phổ.
Đa dạng dịch vụ du lịch cộng đồng
Tại huyện Lý Sơn đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển DLCĐ như: Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia tài trợ xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm cho một số hộ kinh doanh dịch vụ homestay; dự án do Luxembourg tài trợ 350 triệu đồng để tổ chức tập huấn nghiệp vụ giao tiếp tiếng Anh thông dụng, lắp đặt pano và 21 điểm chỉ dẫn cho hộ homestay...
Làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vẫn còn giữ nét đẹp hoang sơ và mang nhiều dấu ấn thời gian. Ảnh: TRẦN MAI |
Tính đến nay, toàn huyện Lý Sơn có gần 100 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay. Riêng tại đảo Bé, hiện đang có nhiều mô hình DLCĐ, với khoảng 10 cơ sở kinh doanh. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, xe máy... phục vụ khách du lịch. Năm 2019, có khoảng 53.000 lượt khách sử dụng loại hình DLCĐ khi đến tham quan huyện Lý Sơn.
Tại huyện Ba Tơ, mô hình DLCĐ tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ với các hoạt động trình diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống làng Teng, múa cồng chiêng và hát ta lêu, ka choi, thưởng thức ẩm thực địa phương... đã tạo ra sản phẩm du lịch mới kết hợp loại hình du lịch lịch sử và du lịch trải nghiệm. Nhờ đó, lượng khách đến với Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ tăng 35%/năm.
Ở huyện Nghĩa Hành, DLCĐ cũng phát triển với mô hình du lịch miệt vườn, tham quan các vườn cây ăn quả, thưởng thức ẩm thực với các món ăn dân dã đồng quê, tham quan làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, tắm suối nước nóng tự nhiên... Trong khi đó, huyện Bình Sơn với mô hình du lịch tham quan tại Thọ An, điểm du lịch Gành Yến, Bầu Cá Cái... thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm.
Ông Nguyễn Duy Nghĩa, ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận (Bình Sơn) cho biết: “Nhờ rừng ngập mặn bàu Cá Cái mà chúng tôi có thêm thu nhập thông qua việc nuôi cua, khai thác thủy sản, sắm thuyền đưa khách tham quan... Tôi mong muốn xã thành lập tổ quản lý và kiểm soát hoạt động du lịch tại bầu Cá Cái, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân”.
Cần trợ lực nhiều hơn
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa, loại hình DLCĐ đã thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan. Tuy nhiên, DLCĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, còn mang tính tự phát. Hầu hết các tuyến đường kết nối với điểm DLCĐ chưa được đầu tư bài bản, nên cần được quan tâm đầu tư nâng cấp. Đối với các cơ sở homestay, thì cơ sở vật chất phục vụ khách còn tạm bợ, chưa chuyên nghiệp, chất lượng chưa cao, hoạt động mang tính tự phát. Ngoài ra, một số sản phẩm, dịch vụ DLCĐ về quy mô và chất lượng các sản phẩm dịch vụ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Nhiều homestay do người dân đảo Bé (Lý Sơn) đầu tư để phục vụ du khách đến tham quan. |
Trước thực tế trên, Sở VH-TT&DL đã xây dựng Đề án hỗ trợ chính sách phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đây được xem là hướng phát triển cho DLCĐ để khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương, ổn định thu nhập cho người dân, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Đề án sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển DLCĐ, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng tại 9 điểm du lịch thuộc 6 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; chính sách hỗ trợ xúc tiến du lịch...
Liên kết làm du lịch cộng đồng
Tại TX.Đức Phổ, làng du lịch Gò Cỏ được Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ khai thác hoạt động du lịch từ năm 2019. Nhờ có liên kết với nhau thông qua hợp tác xã, hoạt động du lịch cộng đồng nơi đây được tổ chức bài bản, thu hút khá đông khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan, với các dịch vụ homestay, hội bài chòi, hát hố Gò Cỏ, đội thuyền thúng phục vụ khách ngắm biển, gành đá hoang sơ…
|
Bài, ảnh: KIM NGÂN