Hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

10:08, 15/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để hỗ trợ HTX phát triển, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi phù hợp. Tuy nhiên, đến nay các HTX vẫn chưa thể tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng.
Khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
 
HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh, xã Đức Hòa (Mộ Đức) tuy mới thành lập được 2 năm, với hơn 30 thành viên, nhưng HTX đã có nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất hiệu quả. Nhằm hướng đến một mô hình kinh tế tập thể vững mạnh, từ đầu năm 2020 đến nay, HTX đã mở rộng và phát triển nhiều khu sản xuất, chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.  
 
Hợp tác xã Nông nghiệp Cao Muôn (Ba Tơ) xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của người dân các huyện miền núi.
Hợp tác xã Nông nghiệp Cao Muôn (Ba Tơ) xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của người dân các huyện miền núi.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao cần rất nhiều vốn. Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư vào 2 trại vịt, HTX đã bỏ ra khoảng 6 tỷ đồng. Do đó, HTX đã gõ cửa nhiều ngân hàng, với mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Thế nhưng, theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh Nguyễn Anh Tiến, dù HTX luôn hoạt động có lãi, nhưng khi gửi hồ sơ vay vốn đến các ngân hàng đều bị từ chối. 
 
Không chỉ HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh, ngay cả những HTX làm ăn hiệu quả nhiều năm liền cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo danh nghĩa HTX, đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh).
 
Đối với việc vay vốn ngân hàng, hiện nay, theo quy định của Nghị định 55/2015/ NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, HTX, Liên hiệp HTX được vay tiền từ các tổ chức tín dụng không có tài sản bảo đảm tối đa từ 1 - 3 tỷ đồng. Hơn nữa, các HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng giải quyết cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70 - 80% giá trị dự án, phương án vay theo mô hình liên kết. Tuy nhiên, hiện nay chưa có HTX nào trên địa bàn tỉnh vay được vốn theo hình thức này.
 
Khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng, vốn tự có của các thành viên hạn hẹp, các HTX chỉ còn trông chờ vào nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, các quỹ này cũng eo hẹp về nguồn vốn, thiếu cơ chế, chính sách để hoạt động có hiệu quả.
 
Cần có cơ chế linh hoạt hơn
 
Theo Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Hà Hoài Nam, thực tế phương án kinh doanh của nhiều HTX không khả thi, trong khi năng lực sản xuất, kinh doanh của đa số HTX còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhiều rủi ro, nên khó đáp ứng được yêu cầu cho vay.
 
Trên thực tế, có nhiều rào cản khiến các HTX khó tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trong đó chủ yếu là do HTX thiếu tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay; hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, hoặc chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi để thuyết phục ngân hàng và các tổ chức tín dụng; tỷ lệ rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro trong nông nghiệp do điều kiện thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Ngoài ra, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề phát triển kinh tế tập thể, HTX...
 
Để chính sách đi vào thực tiễn, thiết nghĩ cần có cơ chế linh hoạt hơn. Theo đó, các cấp, ngành cần tạo điều kiện trong việc cấp đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX; sớm giải thể các HTX yếu kém. Đặc biệt là, cần xây dựng gói tín dụng riêng cho các HTX theo hướng phân loại, ưu tiên nguồn vốn cho những HTX làm ăn hiệu quả, đem lại thu nhập cho nhiều thành viên.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.