Để hương vị nước mắm truyền thống bay xa

06:08, 21/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, nước mắm truyền thống ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh bị cạnh tranh gay gắt và tác động bởi dịch bệnh, các cơ sở sản xuất mắm truyền thống xã Đức Lợi đã chọn nhiều hướng đi linh hoạt. 
Đưa nước mắm "lên mạng"
 
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nước mắm của người dân xã Đức Lợi gặp nhiều khó khăn. Thấy vậy, ông Cao Văn Sơn, ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi mua rồi gửi vào TP.Hồ Chí Minh cho các con của mình bán theo hình thức trực tuyến. Hơn hai tháng nay, đã có gần 50 lít nước mắm được gửi đi tiêu thụ. Đa số khách hàng của con ông Sơn là những người đồng hương. Họ quen với sản phẩm quê nhà, nên thường xuyên mua ủng hộ.
 
Theo ông Sơn, hai cô con gái của ông thường xuyên chụp ảnh nước mắm của Đức Lợi, sau đó đưa lên các trang mạng, rồi giao hàng tận tay người mua. “Tiền lãi không nhiều, nhưng cơ bản là tìm được đầu ra, giúp tiêu thụ sản phẩm cho người làm nghề trong lúc khó khăn”, ông Sơn chia sẻ. 
 
Nhiều cơ sở làm nước mắm ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) đang tìm cách vượt qua khó khăn.                                          Ảnh: M.KHOA
Nhiều cơ sở làm nước mắm ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) đang tìm cách vượt qua khó khăn. Ảnh: M.KHOA
Là một cơ sở mắm có tiếng ở xã Đức Lợi, nhưng trong đợt dịch này, chủ cơ sở nước mắm Đức Hải vẫn gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Do đó, thời gian này, chị Phạm Thị Thúy Vân, chủ cơ sở, phải nhờ bạn bè, người thân cùng quảng bá sản phẩm lên các trang mạng xã hội và bán trực tuyến. Chị Vân cho biết: “Tôi quảng bá nước mắm trên các mạng xã hội Facebook, Zalo... Tiếp cận được nhiều người và nước mắm Đức Lợi đã có "thương hiệu" nên tiêu thụ cũng khá. Thời gian đến, chúng tôi sẽ thành lập tài khoản trên mạng xã hội để kết nối và quảng bá sản phẩm nước mắm của cơ sở đến với mọi người”.
 
Những năm trước, giá nguyên liệu làm nước mắm là cá cơm nhập vào chỉ khoảng 11 triệu đồng/tấn. Năm nay, giá cá cơm lên đến 14 triệu đồng/tấn, nhưng người làm mắm ở xã Đức Lợi vẫn giữ nguyên giá bán như trước. Đây là cách để người làm mắm đồng hành với người tiêu dùng giữa những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
 
Liên kết để phát triển
 
Xã Đức Lợi hiện có 300 hộ gia đình làm nghề chế biến mắm, trong đó có 17 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh; mỗi năm cung ứng ra thị trường 3 triệu lít mắm. Tháng 6.2020, làng nghề nước mắm truyền thống xã Đức Lợi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Mê lắm nước mắm quê mình - nước mắm Đức Lợi - fish sauce”. UBND tỉnh cũng đã trao chứng nhận nước mắm truyền thống xã Đức Lợi là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của năm 2020. Đây chính là yếu tố góp phần quan trọng thúc đẩy làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Đức Lợi phát triển.  
 
Logo, nhãn hiệu tập thể được dán lên chai nước mắm của các cơ sở tham gia vào HTX Sản xuất mắm truyền thống xã Đức Lợi.                               Ảnh: Đ.S
Logo, nhãn hiệu tập thể được dán lên chai nước mắm của các cơ sở tham gia vào HTX Sản xuất mắm truyền thống xã Đức Lợi. Ảnh: Đ.S
Tháng 7.2020, HTX Sản xuất mắm truyền thống xã Đức Lợi được thành lập, thu hút 8 cơ sở chế biến nước mắm tham gia. Giám đốc HTX Sản xuất mắm truyền thống xã Đức Lợi Nguyễn Đình Hiếu cho biết: Khi các cơ sở tham gia vào HTX sẽ được cấp nhãn hiệu, logo do Cục Sở hữu trí tuệ cấp để dán lên sản phẩm; được tập huấn kiến thức để nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm bắt nhu cầu của thị trường...
 
Khi có đơn hàng, HTX sẽ tập hợp số lượng nước mắm ở các cơ sở cùng tham gia để đảm bảo nguồn hàng chất lượng. Ngoài ra, HTX cũng sẽ tìm nguồn nguyên liệu cá cơm để đảm bảo lượng cá muối mắm. Với 8 cơ sở, lượng cá muối mỗi năm khoảng 48 tấn cá cơm sẽ cho ra 24.000 lít nước mắm cốt thành phẩm.
 
Là cơ sở lâu năm trong nghề làm nước mắm truyền thống ở địa phương, khi nghe địa phương thành lập HTX sản xuất mắm truyền thống, bà Trần Thị Hải đăng ký tham gia. Bà Hải chia sẻ: “Tôi mong rằng, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thị trường, tạo chỗ dựa vững chắc để nước mắm truyền thống ở địa phương được khẳng định giá trị”.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Văn Tiến, việc thành lập HTX sản xuất mắm truyền thống sẽ góp phần tạo niềm tin cho người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm nước mắm truyền thống. Đây cũng là hướng liên kết phát triển chuỗi du lịch vùng biển kết hợp với du lịch tham quan trải nghiệm trồng rau sạch ở thôn An Mô, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 
 
Đ. SƯƠNG - M.KHOA
 
 
 
 
 

.