Nước mắm Đức Lợi: Được người tiêu dùng lựa chọn

08:01, 26/01/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)-  Cả đời sống bên cạnh biển, cảm nhận được vị mặn của biển, nên từ bao đời nay, người dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) đã gìn giữ và phát triển nghề chế biến nước mắm...
TIN LIÊN QUAN

Nghề chế biến nước mắm ở Đức Lợi có từ lâu. Theo những bậc cao niên trong làng, những năm đầu của thời kỳ Pháp thuộc, người dân xã Đức Lợi đã biết chế biến nước mắm. Hồi đó, dụng cụ muối mắm là những cái lu, được làm từ đất sét nung.
 
Cá sau khi đánh bắt về được rửa sạch, đựng trong rổ tre cho ráo nước. Sau đó, trộn đều cá với muối hột theo công thức “3 cá 1 muối” rồi bỏ vào lu, đậy kín nắp. Lu chứa cá sau đó được chôn xuống đất, ủ từ 10 – 12 tháng mới đưa lên lọc lấy nước mắm để dùng.
 
Nước mắm Đức Lợi được trưng này tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Nước mắm Đức Lợi được trưng này tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Ngày xưa, nghề chế biến nước mắm của người dân Đức Lợi chủ yếu là chỉ để dùng và buôn bán nhỏ trong làng. Dần về sau, nước mắm Đức Lợi được nhiều người dùng ưa chuộng rồi truyền tai nhau, nên trở thành sản phẩm hàng hóa được buôn bán trên thị trường. “Hoạt động chế biến, buôn bán nước mắm Đức Lợi trong những năm gần đây rất nhộn nhịp và ngày càng phát triển”, bà Bùi Thị Út, chủ cơ sở nước mắm Hồng Út cho biết.
 
“Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ và huy động các nguồn lực để đầu tư, xúc tiến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nước mắm Đức Lợi”.

Chủ tịch UBND xã Đức Lợi LÊ MINH VIỆT
Nước mắm Đức Lợi hiện có 3 loại. Loại 1 là nước mắm sau khi cá chín, người ta rút lù để nước mắm nhỏ từng giọt vào dụng cụ chứa còn được gọi là mắm nhỉ. Loại 2 là chờ đến khi triều cường (nước lên), người ta mở nắp lu lấy vá gạt lớp váng qua một bên, nhẹ tay múc tầng nước đứng ở trên, nên gọi là mắm hớt. Loại 3 là múc cả cái và nước đổ vào hệ thống lọc, gọi là mắm lọc.

Bây giờ, cửa Lở bị bồi đắp, nghề đánh bắt hải sản ở xã Đức Lợi dần mai một, nhưng nghề sản xuất nước mắm thì vẫn được duy trì, dù có lúc chật vật, do việc sản xuất nước mắm còn manh mún, thị trường tiêu thụ hẹp, giá trị cạnh tranh thấp.
 
Nghề sản xuất nước mắm ở Đức Lợi không chỉ giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, mà còn là “thương hiệu” truyền thống của người dân Đức Lợi. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực giữ nghề của người dân và chính quyền địa phương, năm 2009, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội Làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi.

Trong 3 năm trở lại đây, nghề chế biến nước mắm ở Đức Lợi phát triển rất mạnh mẽ. “Nhờ các cấp chính quyền tiếp sức thông qua việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, nên nước mắm Đức Lợi ngày càng được nhiều người tin dùng”, bà Út cho hay.

Hiện nay, ngoài hàng trăm hộ sản xuất nước mắm cá thể, xã Đức Lợi còn có 17 cơ sở sản xuất nước mắm tập trung, xây dựng được thương hiệu, như: Nước mắm Hồng Út, Hồng Việt, Đức Hải, Bảy Hiền... Mặc dù phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều thương hiệu lớn, nhưng nước mắm Đức Lợi vẫn được người tiêu dùng lựa chọn, vì sản xuất theo phương thức truyền thống, không sử dụng chất bảo quản, phụ gia.
 
Vì vậy, nước mắm Đức Lợi sẽ chuyển màu sau một thời gian sử dụng, nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo, mùi vị thơm ngon và giá cả hợp lý. Thị trường tiêu thụ của nước mắm Đức Lợi ngày càng được mở rộng. Ước tính, tổng sản lượng nước mắm sản xuất và cung ứng ra thị trường mỗi năm gần 3 triệu lít, doanh thu 20 tỷ đồng, góp phần tích cực vào việc tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Những ngày đầu tháng Chạp, làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi (Mộ Đức) trở nên tất bật hơn, do các cơ sở tập trung sản xuất, đóng chai và vận chuyển đưa đi phục vụ thị trường Tết trong và ngoài tỉnh. Người dân và các cơ sở sản xuất nước mắm ở xã Đức Lợi kỳ vọng năm Kỷ Hợi 2019, làng nghề sẽ gặt hái được nhiều thành công, trong đó có việc xây dựng nhãn hiệu tập thể.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 

.