(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy (khóa XIX) về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (HTGT) và hạ tầng đô thị (HTĐT), nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, kết nối thông thương giữa các vùng, miền, địa phương. Diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng có những đổi thay rõ rệt...
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Quả ngọt" từ chủ trương đúng
Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy nhấn mạnh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp của toàn dân, với mục tiêu nhằm huy động nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực hiện chủ trương ấy, những năm qua tỉnh ta đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là HTGT và HTĐT, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nếu như đầu nhiệm kỳ, HTGT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cho thấy sự liên kết của hai trục ngang và dọc thì qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 02, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được đầu tư đã tạo thành mắc xích liên hoàn, giúp giao thương ngày càng thuận lợi. Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng như cầu Thạch Bích, đường Trường Sa, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Dốc Sỏi - KCN VSIP Quảng Ngãi, cầu Cửa Đại, các tuyến Tỉnh lộ 623B, 624, 624B, đường Trì Bình - Dung Quất, cầu Trà Bồng; đường Võ Văn Kiệt, cảng Bến Đình (Lý Sơn)... đặc biệt là, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào hoạt động, đã mở ra cơ hội cho Quảng Ngãi tăng tốc phát triển.
Hệ thống cảng tại Khu kinh tế Dung Quất từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ảnh: PV |
Đến nay, có 12 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài là 415,7km đã nhựa hóa, cứng hóa 408,7km (98,32%); hệ thống đường huyện 1.361km, đã nhựa hóa, cứng hóa 1.050,8km (77,2%); hệ thống đường xã 1.626,7km, đã nhựa hóa, cứng hóa 1.110,2km (68,2%). Gần 48% tuyến giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa. Đặc biệt, có 243,4km/255km hệ thống đường đô thị đã nhựa hóa, cứng hóa (95,4%).
Về hạ tầng trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã và đang được đầu tư đồng bộ; hệ thống cảng biển Dung Quất ngày một phát triển. Ngoài hệ thống cảng tổng hợp của KKT Dung Quất còn có các cảng chuyên dụng của Doosan Vina, Hòa Phát Dung Quất, Hào Hưng. Trong thời gian đến, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đầu tư hệ thống cảng tổng hợp - container, góp phần phát huy tối đa lợi thế hệ thống cảng nước sâu của tỉnh, tạo động lực trong thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông “đối nội” và “đối ngoại” dần được hoàn thiện, hệ thống cảng biển nước sâu có thể đáp ứng cho các tàu có tải trọng đến 200.000DWT... Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã thu hút 164 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 150.622 tỷ đồng. Trong đó, có 32 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 798 triệu USD. Giải quyết việc làm cho khoảng 52.400 lao động...
Ngoài ra, công tác đầu tư hạ tầng đô thị cũng cho "quả ngọt", khi diện mạo các thị trấn, thị tứ, thị xã và đặc biệt là TP.Quảng Ngãi đã thay đổi rất lớn. Đức Phổ đã đẩy mạnh đầu tư kết cầu hạ tầng để được công nhận là thị xã. Đối với TP.Quảng Ngãi, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách, TP.Quảng Ngãi đã tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, góp phần tạo diện mạo khang trang cho đô thị. Qua đó cho thấy, các nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách và vốn xã hội hóa đã đi đúng hướng.
Còn nhiều hạn chế
Bên cạnh những thành quả đạt được, nhìn lại chặng đường sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nghị quyết 02 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ nhựa hóa, cứng hóa 100% tuyến đường tỉnh, 85% tuyến đường huyện và 65% tuyến đường xã. Tuy vậy, ngoài hệ thống đường tỉnh đã nhựa hóa, cứng hóa trên 98%, cơ bản gần đạt với với tinh thần nghị quyết, thì hệ thống đường huyện, đường xã tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa vẫn còn thấp, chỉ đạt 77%. Riêng về phát triển hạ tầng KCN, hạ tầng thương mại, hạ tầng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức và chưa thể đạt được như kỳ vọng.
Nhờ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, đến nay Đức Phổ đã được công nhận là thị xã trực thuộc tỉnh. |
Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương cho rằng, tồn tại trong đầu tư xây dựng kết cấu HTGT so với Nghị quyết 02 có nhiều nguyên nhân, nhưng trọng tâm vẫn là nguồn lực đầu tư còn hạn chế, dẫn đến các công trình, dự án phải chia làm nhiều thành phần để đầu tư qua nhiều năm. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn...
Đối với phát triển HTĐT, vẫn còn nhiều công trình, dự án chưa thể triển khai thực hiện, hoặc triển khai nhưng chưa hoàn thành, như: Khu dân cư phục vụ tái định cư Trung tâm hành chính tỉnh; đưa đô thị Vạn Tường, Trung tâm hành chính huyện Sơn Tịnh trở thành đô thị loại IV và các đô thị còn lại trở thành đô thị loại V...
Theo đánh giá của UBND tỉnh, chất lượng phát triển mạng lưới đô thị chưa đáp ứng được thực tế và mục tiêu đặt ra. Các địa phương trong tỉnh nhìn chung phát triển kinh tế - xã hội, đô thị chưa bền vững, khả năng cạnh tranh hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác quản lý đô thị và tốc độ đô thị hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 24,5%, vẫn còn ở mức thấp so với trung bình cả nước.
Tập trung thực hiện nhiều giải pháp
Để hạ tầng thực sự là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tạo nền tảng vững chắc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng, thời gian đến, công tác bố trí nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là HTGT và HTĐT là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần phải xác định một cách cụ thể. Trong đó, cần tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình giao thông lớn như: Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2, kết nối thông suốt với tuyến ven biển các tỉnh Quảng Nam, Bình Định; nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường kết nối cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng - Huế, Quốc lộ 1...
Cần tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển KKT Dung Quất trở thành trung tâm logistics, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu cho cả khu vực. |
Đối với cảng Dung Quất, lượng hàng thông qua cảng đạt khối lượng lớn (hơn 20 triệu tấn trong năm 2019), tuy nhiên, lượng hàng chủ yếu là các sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thiết bị cơ khí của Công ty Doosan Vina, còn lại chủ yếu là dăm gỗ. Hàng hóa thông qua cảng chưa đa đạng, hàng container rất ít, dịch vụ vận tải biển chậm phát triển, chưa tận dụng lợi thế cảng nước sâu để phát triển logistic, vận tải biển cho vùng và các địa phương thuộc hành lang kinh tế Đông- Tây. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu để tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển trung tâm logistics, nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh huy động nhiều nguồn lực để phát triển HTĐT; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện kết cấu HTĐT TP.Quảng Ngãi và các thị trấn, thị tứ, trung tâm các huyện. Cùng với đó là kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án khu dân cư, đô thị; quản lý chặt chẽ các quy hoạch xây dựng, đô thị đã được phê duyệt; gắn phát triển đô thị, quản lý, sử dụng đất với đầu tư xây dựng các công trình, dự án đảm bảo sự phát triển đồng bộ, bền vững và sử dụng hiệu quả quỹ đất.
Hai nhiệm vụ then chốt
Nguyên Giám đốc Sở GTVT Cao Xuân Thủy nêu ý kiến: Có hai nhiệm vụ then chốt về HTGT cần tập trung đầu tư trong thời gian đến là, nâng tầm hạ tầng KKT Dung Quất, nâng cấp và mở mới các tuyến giao thông huyết mạch nối với cảng Dung Quất để tạo ra mạng lưới giao thông xuyên suốt và đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường ven biển để thúc đẩy quá trình đô thị hóa các xã ven biển phía nam tỉnh, tạo cú huých trong thu hút đầu tư.
|
Bài, ảnh: L.ĐỨC - P.DANH