Đầu tư phát triển thủy điện: Cần lựa chọn dự án khả thi

09:07, 21/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, tỉnh cho chủ trương khảo sát đầu tư hàng loạt dự án thủy điện mới, trong lúc hàng chục dự án thủy điện đã cho thực hiện, nhưng lại "treo" từ nhiều năm nay...
Có 9/28 thủy điện đưa vào vận hành
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án thủy điện, với tổng công suất thiết kế là 582,7MW, sản lượng điện trung bình theo thiết kế là 2.272 triệu kWh/năm. Đến nay, mới có 9 dự án vận hành phát điện, với tổng công suất thiết kế là  281,4MW, lượng điện trung bình năm là 1.205,16 triệu kWh.
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 dự án thủy điện đang thi công xây dựng, nhưng hầu hết đều chậm tiến độ, do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vốn. Có 9 thủy điện đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, song chủ yếu là thực hiện thủ tục xin gia hạn, giãn tiến độ, điều chỉnh dự án. 
 
Thi công thủy điện Sông Liên 1 (Ba Tơ).
Thi công thủy điện Sông Liên 1 (Ba Tơ).
 
Hai huyện miền núi Ba Tơ và Trà Bồng có nhiều nhà đầu tư khảo sát, lập dự án và xin thực hiện dự án. Hiện tại, huyện Trà Bồng có 5 thủy điện đang xây dựng và khảo sát xây dựng, công suất lên đến hàng trăm MW. Trước đó, địa phương được đánh giá có lợi thế về thủy điện là Sơn Tây, với nhiều dự án được cấp chủ trương xây dựng. Thế nhưng, hiện tại, nhiều dự án xây dựng dở dang, có dự án nhiều lần xin gia hạn vẫn chưa xây dựng xong.
 
Nguyên nhân là do ngân hàng không duyệt cho vay vốn. Thực tế, các dự án thủy điện khi xây dựng, bình quân vốn vay ngân hàng lên đến 80%, với suất đầu tư quá lớn, bình quân 32 - 40 tỷ đồng/MW. Khi dự án bị ngân hàng từ chối cấp vốn, chắc chắn sẽ phải dừng triển khai.
 
Nói không với dự án không khả thi
 
Thủy điện là một trong những lĩnh vực chiếm nhiều diện tích đất, đặc biệt là diện tích tự nhiên, như rừng, sông, suối phía thượng nguồn. Mặc dù các nhà đầu tư đều đưa ra những giải pháp hạn chế tác động đến môi trường, nhưng thực tế vẫn không tránh khỏi. Thủy điện xây dựng, núi non, sông suối bị tàn phá; thủy điện tích nước vận hành, thì nguồn nước dành cho hạ du cũng bị thay đổi. Không thể phủ nhận vai trò điều tiết nước của thủy điện, nhưng có một thực tế là, khi thủy điện xuất hiện, hàng loạt đoạn sông trở thành "sông chết".
 
Thủy điện đóng góp vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp cho ngân sách, nhưng cuộc sống của người dân hy sinh cho thủy điện cũng không nhỏ. Vì thế, việc chấp thuận cho chủ trương xây dựng thủy điện cũng cần phải được tính toán kỹ, không cấp dự án tràn lan. Thời gian qua, cũng có địa phương phát huy tốt vai trò trong giám sát hoạt động đầu tư xây dựng thủy điện.
 
Đơn cử như huyện Sơn Hà, mới đây lãnh đạo huyện đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi chủ đầu tư dự án Thủy điện Trà Khúc 1 (Công ty CP Thủy điện Huy Măng) xin giãn tiến độ dự án. Cụ thể, huyện nêu rõ: "Chủ đầu tư cần quyết tâm thực hiện đúng tiến độ, gia hạn lần này đến quý II/2022. Huyện sẽ không tham gia ý kiến gia hạn lần tiếp theo, nếu không thực hiện đúng cam kết".
 
Mới đây, UBND tỉnh đã báo cáo về tình hình phát triển thủy điện cho Ban Kinh tế Trung ương, trong đó đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét về tiềm năng thủy điện trên địa bàn tỉnh, phát triển có chọn lọc, bổ sung vào quy hoạch một số thuỷ điện nhỏ và vừa, thuỷ điện tích năng. Đồng thời, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với chủ trương, chiến lược đã đề ra, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, song cũng giảm thiểu tác động của dự án thủy điện đến môi trường và cuộc sống của người dân.
 
Bai, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.