(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, TP.Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông để mở rộng không gian đô thị nhằm góp phần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập trong quy hoạch và xây dựng hạ tầng giao thông (HTGT).
Nỗi lo quá tải
Quy hoạch và đầu tư HTGT là yêu cầu chiến lược trong quá trình phát triển đô thị Quảng Ngãi. Tuy vậy, thực trạng quy hoạch HTGT của TP.Quảng Ngãi hiện tại vẫn chưa khoa học, dựa vào các trục đường dân sinh đang có, dẫn đến tình trạng “trăm làng đi chung một đường”. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong quy hoạch HTGT đô thị, nhất là các khu dân cư (KDC), khu đô thị mới.
Việc quy hoạch hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thị trở nên quá tải vào giờ cao điểm. |
Tuyến đường Phan Đình Phùng nối dài được xem là trục xương sống của đô thị phía nam TP.Quảng Ngãi, nhưng nay đã rơi vào tình trạng quá tải vào các giờ cao điểm. Nguyên nhân là do cư dân sinh sống tại các KDC như Phan Đình Phùng, Ngọc Bảo Viên, Bàu Giang - Cầu Mới... tăng cơ học một cách đột biến. Cộng với đó là các KDC hiện hữu, người dân cũng lựa chọn hành trình di chuyển trên trục đường Phan Đình Phùng để vào trung tâm thành phố vì chưa có tuyến đường khác để “chia lửa”.
Tương tự là đường Quang Trung, hiện đã quá tải khi tất cả các tuyến đường khác đều kết nối với tuyến đường này. Trong đó, đoạn từ Phan Đình Phùng đến Hai Bà Trưng đáng lo ngại nhất, bởi trong tương lai KDC Bàu Cả được lấp đầy trên 80% thì dễ gây tắc nghẽn giao thông tại đây.
Trong khi đó, đường Trường Chinh được xem là đường vành đai ngoài của TP.Quảng Ngãi nhưng làm đứt đoạn, còn hẹp so với tốc độ phát triển hiện nay, bởi công trình có bốn làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ, vỉa hè mỗi bên 3,5m và dải phân cách giữa 3m. Hai bên đường người dân đã xây dựng nhà ở kiên cố. Nếu trong tương lai muốn mở rộng lòng đường là không dễ vì tiền đền bù lớn...
Cần tầm nhìn dài hạn
Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi cho rằng, khu vực phía nam thành phố từ đường Hoàng Văn Thụ đến Quang Trung dài hơn 4km, nhưng chỉ có 5 trục đường ngang (Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Công Phương, Phan Đình Phùng, Võ Thị Sáu, Quang Trung) kết nối với vùng lõi đô thị là quá hạn chế.
“Để tạo thông thoáng về hạ tầng giữa các khu đô thị mới và đô thị hiện hữu, giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn trong đi lại và HTGT không “lỗi thời”, tỉnh cần có chiến lược quy hoạch và xây dựng các trục đường bàn cờ kết nối giữa các trục đường dọc với nhau”, vị cán bộ này nói.
Anh Bình, một kỹ sư giao thông cho rằng, trong quy hoạch đô thị Quảng Ngãi, vùng lõi thực hiện không tốt và tiếp nối các quy hoạch vùng chưa đồng bộ, cho thấy không có chiến lược dài hơi, dẫn đến tình trạng hàng chục KDC lớn, nhỏ với nhiều đường hẻm mặt cắt ngang từ 3,5m trở lại đều đổ thẳng ra 1 - 2 trục đường chính, khiến các trục đường này luôn tắc nghẽn.
“Giao thông là huyết mạch vận hành kinh tế và phát triển đô thị. Do đó, tỉnh cần có tầm nhìn dài hạn, tạo ra nhiều phương án di chuyển nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn cục bộ. Trong đó, trung tâm đô thị cần quy hoạch và xây dựng diện tích giao thông động (cầu, đường) tối thiểu 18 - 25% và diện tích giao thông tĩnh (bãi đậu xe) vào khoảng 5 - 8%. Nếu không có giải pháp để đạt con số diện tích lý tưởng, thì trong tương lai chúng ta “phải chồng” tầng giao thông như nhiều đô thị hiện nay”, anh Bình nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC