(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển điện mặt trời trên mái nhà là một trong những giải pháp góp phần cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất, giảm áp lực lên phụ tải lưới điện. Với lợi thế về số ngày nắng trong năm ở miền Trung cộng với giá điện vừa được Chính phủ ban hành, điện mặt trời trên mái nhà đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo đánh giá của Bộ Công thương, khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi có tiềm năng lớn về điện mặt trời với độ bức xạ từ 4,2 - 4,8kWh/m2/ngày. Khi Chính phủ triển khai chủ trương khuyến khích tạo ra nguồn năng lượng sạch từ điện mặt trời trên mái nhà, Quảng Ngãi đã kịp thời nắm bắt cơ hội, triển khai sâu rộng đến nhân dân, trong đó ngành điện tiên phong thực hiện.
Từ tháng 6 - 9.2019, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã triển khai lắp đặt 12 hệ thống điện mặt trời áp mái trên mái nhà trụ sở của 11 điện lực huyện và Đội Quản lý, vận hành lưới điện cao áp Quảng Ngãi, với tổng công suất lắp đặt 327kWp. Sản lượng phát lên lưới lũy kế đến ngày 31.12.2019 là 70.961 kWh.
Một số hộ dân ở TP.Quảng Ngãi đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà. |
Đối với khách hàng dùng điện, tính từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho hơn 322 khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh, với các đối tượng là khách hàng sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, sinh hoạt trong gia đình. Tổng công suất lắp đặt là 3.282,71kWp, sản lượng phát lên lưới đến tháng 4.2020 là 188.383kWh. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, đã phát triển thêm được hơn 50 khách hàng, nhất là từ ngày 6.4.2020 tức là thời điểm Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, quy định cụ thể giá bán điện đối với điện mặt trời áp mái nhà. Cụ thể, giá điện được chốt ở mức 1.943 đồng/kWh.
Theo Công ty Điện lực Quảng Ngãi, một hộ gia đình nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất từ 3 - 5 kWp (với vốn đầu tư dưới 100 triệu đồng), trung bình mỗi kWp một ngày sản xuất khoảng 4 - 4,5 kWh, thì khoảng 6 đến 8 năm sẽ thu hồi vốn. Đối với các hộ gia đình sử dụng nhiều điện vào ban ngày thì thời gian thu hồi vốn nhanh hơn, vì giảm được sản lượng điện bậc thang cao, đem lại lợi ích nhiều hơn.
Đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà từ tháng 6.2019, gia đình anh Nguyễn Hữu Thành (30 Chu Văn An, TP.Quảng Ngãi) thấy hiệu quả rõ rệt. Anh Thành chia sẻ: “Với tổng chi phí đầu tư ước tính 145 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với công suất khoảng 10 kWp. Kể từ khi đầu tư lắp đặt đến nay, ngoài việc sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, gia đình tôi đã bán lượng điện thừa cho ngành điện với sản lượng 6.768 kWh điện, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Tiền điện hiện nay mỗi tháng gia đình chỉ phải trả khoảng 1 triệu đồng, giảm khoảng 2 triệu đồng so với trước khi lắp đặt".
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích sử dụng điện mặt trời tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 22.5.2020. Giá này sẽ ổn định đến hết năm 2020. Đây là thời điểm thuận lợi để các hộ dân có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà nắm bắt, vừa sản xuất điện cho nhu cầu, vừa bán điện dư thừa. Sau khi lắp đặt điện mặt trời, khách hàng có thông báo, thì ngành điện sẽ phối hợp nghiệm thu và lắp đặt công tơ 2 chiều để ghi nhận sản lượng. "Ngành điện khuyến cáo người dân nên vừa sử dụng điện mặt trời, vừa sử dụng điện lưới. Như vậy sẽ không bị lãng phí điện sản xuất ra và cũng không lo bị thiếu điện khi trời không có nắng”, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Quảng Ngãi Huỳnh Trọng Nguyễn cho hay.
Bài, ảnh: THANH NHỊ