(Báo Quảng Ngãi)- Ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với dịch cúm A/H5N6 xuất hiện ở các địa phương trong cả nước, nên giá các loại thịt, trứng gia cầm giảm mạnh, khiến người chăn nuôi gặp khó...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kiểu gì cũng lỗ
“Giá gà giảm mạnh, nếu bán thì lỗ, mà không bán cũng lỗ. Vì gà càng lớn, lượng thức ăn tiêu tốn càng nhiều, cộng với rủi ro do dịch cúm gia cầm H5N6, nên gia đình rất lo”, ông Nguyễn Phi, ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) cho biết. Với 2 nghìn con gà (trọng lượng bình quân gần 2 kg/con), nên mỗi ngày, chỉ riêng chi phí thức ăn đã trên 2 triệu đồng. Nhưng hiện tại, gà thương phẩm chỉ được thương lái thu mua với giá 50 - 55 nghìn đồng/kg (giảm 25 - 30 nghìn đồng/kg), nên ông Phi chần chừ chưa muốn bán. Bởi với mức giá trên, ông Phi sẽ lỗ nặng.
Giá gà giảm mạnh, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. |
Trong khi đó, ông Trần Mạnh Hùng, ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) cũng rơi vào cảnh “bán không được, nuôi chẳng xong”. Gia đình ông Hùng nuôi gần 1.000 con gà, nếu bán thời điểm này chắc chắn sẽ bị lỗ hơn 300 triệu đồng. Còn nếu tiếp tục nuôi, ngoài rủi ro do dịch bệnh và chi phí thức ăn, ông Hùng cũng lo trọng lượng gà quá lớn, sau này thương lái lại... chê. Vì vậy, hiện giờ ông Hùng cũng chưa biết tính sao.
Cùng với gà, thì vịt, các loại trứng gia cầm đã và đang giảm giá khá mạnh. Giá vịt thương phẩm hiện chỉ còn 40 - 45 nghìn đồng/kg, giảm 20 - 25 nghìn đồng/kg so với thời điểm tháng 1.2020. Còn các loại trứng gà công nghiệp, trứng vịt, trứng gà ta cũng giảm từ 1 - 1,5 nghìn đồng/quả, chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/quả.
Cần hình thành chuỗi liên kết
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), so với cùng kỳ 2019, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Riêng một số địa phương như huyện Bình Sơn, tổng đàn gia cầm ước tăng khoảng 20%. Nguyên nhân là do dịch tả heo Châu Phi bùng phát, giá heo giảm mạnh một thời gian dài, nhiều hộ chăn nuôi heo chuyển sang nuôi gà, vịt. Điều này khiến nguồn cung thịt, trứng gia cầm tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm. Hơn nữa, dù chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn, nhưng phần lớn chủ trang trại chưa liên kết với các doanh nghiệp hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nên đầu ra bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái.
“Đã đến lúc người dân cần cân nhắc quy mô đầu tư và tái đàn chăn nuôi gia cầm theo hướng gắn chặt với thị trường tiêu thụ, liên kết theo chuỗi, để nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ cho biết.
Để hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần đổi mới phương thức chăn nuôi cũng như chọn lọc đối tượng cung ứng. Như tại Tổ hợp tác nuôi gà xã Đức Thắng (Mộ Đức), hiện có trên 3.000 con gà đến kỳ xuất bán, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho bạn hàng. Tổ trưởng Đỗ Thị Thùy Trang chia sẻ: “Thay vì nuôi nhốt, chúng tôi nuôi gà dưới tán rừng, để hạn chế dịch bệnh, tăng chất lượng gà thành phẩm. Đồng thời liên kết với các dịch vụ nấu ăn, nhà hàng, cửa hàng ăn uống... nên đầu ra ổn định, giá bán cao, hiện dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg”.
Để ổn định nghề chăn nuôi gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tập trung rà soát lại số lượng tổng đàn gia cầm (kể cả gia súc) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sẽ thông báo tới người chăn nuôi, khuyến cáo nông hộ khi tăng đàn cần phải xem xét, tính toán lại cẩn thận, điều tiết cho cân đối với cung cầu của thị trường. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh xây dựng và chuyển giao các vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật của thị trường, để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm.
Bài, ảnh: MỸ HOA