(Báo Quảng Ngãi)- Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ đến sớm, xảy ra trên diện rộng và khốc liệt hơn mọi năm. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương và nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, để chủ động ứng phó.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hạn, xâm nhập mặn sẽ khốc liệt
Mặc dù dung tích nước hữu ích tại 19/21 hồ chứa nước (HCN) và công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý, khai thác hiện đạt từ 68-100%. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài, mực nước trên một số lưu vực sông ở khu vực Trung Bộ giảm nhanh, kéo theo dung tích nước hữu ích ở các hồ chứa, công trình thủy lợi cũng bắt đầu suy giảm.
Đặc biệt, dung tích nước hữu ích tại phần lớn các HCN do địa phương quản lý và khai thác đều ở mức thấp, nhiều HCN rơi vào mực nước chết. Chính vì vậy, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm (cuối vụ sản xuất đông xuân 2020) và khốc liệt hơn mọi năm.
Nông dân có diện tích sản xuất ở cuối kênh thường "trữ" máy bơm nước, để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. |
Tại huyện Bình Sơn, địa phương có số lượng HCN nhiều nhất tỉnh (58 HCN), nhưng hiện giờ, dung tích nước hữu ích của các hồ chỉ đạt từ 40-60%, nhiều hồ dưới mức 30%. “Hiện mực nước ở các HCN bắt đầu giảm, một phần do nắng nóng, phần do các HCN đều hư hỏng, năng lực tích và giữ nước không hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung lý giải.
Chính vì vậy, dù chưa bước vào mùa nắng, nhưng chính quyền và nông dân trên địa bàn huyện Bình Sơn, nhất là các xã khu Tây của huyện đang thấp thỏm âu lo. Tại xã Bình Đông, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt trong mùa khô năm 2019, khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh không có nước sinh hoạt. Trước tình hình khô hạn năm 2020 dự báo sẽ khó lường hơn, người dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào công trình nước sạch sinh hoạt (kinh phí đầu tư 800 triệu đồng) sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.
Triển khai nhiều giải pháp
Để ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động huy động mọi nguồn lực, triển khai các giải pháp bảo vệ sản xuất; khuyến cáo người dân tích trữ nước trong hệ thống kênh mương, ao hồ... Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động vận hành có hiệu quả những công trình thủy lợi, điều hành nguồn nước phù hợp, góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.
“Các địa phương cần thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn và thông báo rộng rãi để người dân biết những thông tin này. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền và người dân sẽ có các giải pháp để chủ động ứng phó ngay trong đầu mùa khô năm 2020”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn cho biết.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Ngãi cũng đã chủ động xây dựng phương án điều tiết các nguồn nước từ Thạch Nham và HCN Nước Trong, cũng như triển khai các biện pháp ngăn chặn xâm nhập mặn tại đê Hòa Hà...
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tăng cường công tác quan trắc mực nước và độ mặn trên sông; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp gia cố các đập bổi ngăn mặn, nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình, không để mặn thấm lậu về phía thượng lưu; rà soát và thống kê cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ thiếu nước, khuyến cáo người dân chuyển đổi sinh kế, lựa chọn các giải pháp chủ động thích ứng; phát động nhân dân tu bổ bờ bao, ao đầm, nạo vét kênh mương nội đồng để chống hạn hán, xâm nhập mặn...
Lưu ý cây ăn quả
Nếu bị hạn hán, cây ăn quả sẽ chịu thiệt hại rất lớn và phải mất cả chục năm để khôi phục. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương có diện tích cây ăn quả lớn, phải chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ. Theo đó, ngay từ bây giờ, phải sử dụng nước tiết kiệm và tích trữ nước ngọt ở kênh mương, hồ chứa...
|
Bài, ảnh: MỸ HOA